Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Gửi tiết kiệm vẫn hưởng lãi thực dương
Thùy Vinh - 10/01/2015 07:45
 
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được ngân hàng giảm sâu ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh trần lãi suất huy động về 5,5%/năm (cuối tháng 11/2014). Điều này cũng khiến người tiêu dùng có tiền nhàn rỗi băn khoăn trong việc tìm bến đậu cho đồng vốn, nhất là trước bối cảnh các kênh đầu tư khác đang ảm đạm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Lựa chọn kênh đầu tư 2015: M&A mạo hiểm nhưng dễ kiếm bộn tiền
Hy hữu khách hàng "quên" sổ tiết kiệm 13 năm ở BIDV
Dòng tiền phân vân chảy vào bất động sản?
Tiền nhàn rỗi vẫn đổ vào ngân hàng
Đầu tư vào đâu khi lãi suất hạ
Nhận biết 5 kênh đầu tư sinh lời cao

Chị Nguyễn Thị Minh Vân (quận 10, TP.HCM) cho biết, với khoản tiền nhàn rỗi tiết kiệm 800 triệu đồng vừa đáo hạn ở VietinBank, nhưng vì lãi suất tiền gửi tại nhà băng này hiện chỉ còn 5-6%/năm cho kỳ hạn dài trên 1 năm, nên chị đã chuyển khoản tiền trên đến ngân hàng nhỏ hơn để được hưởng mức lãi suất tiết kiệm tốt hơn.

chọn kênh đầu tư, gửi tiết kiệm
Khách hàng có tiền nhàn rỗi và không muốn mạo hiểm vẫn có thể chọn kênh tiết kiệm để bảo đảm an toàn cho đồng vốn     

Kể từ khi NHNN chính thức điều chỉnh trần lãi suất về 5,5%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm phổ biến được các ngân hàng áp dụng ở mức 4-5,5%/năm cho kỳ hạn 1-5 tháng và 6-7%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Mức cao nhất được áp dụng tại một số ngân hàng nhỏ là 8-8,3%/năm. Tuy nhiên, để hưởng lãi suất này, khách hàng phải từ 39 tuổi trở lên hoặc phải kèm nhiều điều kiện khác.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước được điều chỉnh giảm khá mạnh. Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn ngắn 1-6 tháng, chỉ còn 4-5,3%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất là 5,4-6,3%/năm.

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị và Kinh doanh (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, dù lãi suất giảm, nhưng gửi tiết kiệm ở thời điểm này, người gửi tiền vẫn hưởng lãi suất thực dương. Hơn nữa, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác ảm đạm, thì gửi tiền tiết kiệm vẫn kênh thanh khoản, an toàn.

“Với điều kiện hiện nay, trong ngắn hạn, tôi sẽ gửi tiết kiệm, nhưng sẽ luôn có ý đồ mua bất động sản trong một thời điểm thuận lợi nào đó”, TS. Dương nói và cho rằng, với những khách hàng có tiền nhàn rỗi và không muốn mạo hiểm, thì nên chọn kênh tiết kiệm để bảo đảm an toàn cho đồng vốn.     

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, gửi tiền vào ngân hàng lúc này người dân vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương. Theo dự báo của TS. Lực, dư địa để giảm lãi suất khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp vẫn còn, nhưng khả năng lãi suất sẽ khó giảm mạnh trong thời gian tới, đồng thời khó tái tăng mạnh trở lại. Vì thế, xu hướng của khách hàng hiện nay là chọn kỳ hạn tiền gửi dài ngày, thay vì ngắn hạn như trước. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các ngân hàng trong cơ cấu nguồn vốn cho vay trung, dài hạn.

Ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Ngân hàng ANZ) cho rằng, nếu lạm phát của Việt Nam tiếp tục giảm, sẽ tạo dư địa cắt giảm lãi suất tiết kiệm, nhưng lãi suất tiền gửi vẫn duy trì lãi suất thực dương. Vì so với lạm phát 4-5%, thì lãi suất tiền gửi 5-6% vẫn cao hơn, đó là chưa kể các kỳ hạn tiết kiệm dài ngày từ 12 tháng trở lên nhiều ngân hàng vẫn áp dụng 7,5-8,3%/năm.

“Lãi suất VND sẽ khó có khả năng giảm sâu thêm, do Việt Nam vẫn cần duy trì một mức chênh lệch lãi suất hợp lý giữa VND và USD để khuyến khích người dân giữ VND. Ngoài ra, xu hướng USD tăng giá so với các đồng tiền khác trong khu vực sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2015. Do đó, NHNN vẫn cần giữ mặt bằng lãi suất VND hợp lý để giữ ổn định tỷ giá”, một chuyên gia tài chính nước ngoài nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư