Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hà Nam xây dựng mô hình sản xuất mới
Lã Quý Hưng - 03/09/2013 12:55
 
Ba năm qua, tỉnh Hà Nam đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới, như nuôi lợn đệm lót sinh học, sản xuất nấm, thí điểm trồng cây bí đỏ và đậu tương rau để xuất khẩu, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

Sau khi thực hiện thí điểm, năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Đề án Phát triển chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ 200.000 đồng/m2 đệm lót cho các hộ chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chỉ đạo xây dựng mô hình và cung cấp nguyên liệu.

Nhiều mô hình sản xuất mới ở Hà Nam đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân

Đến nay, Hà Nam đã có hơn 2.000 hộ nông dân tham gia, với hơn 33.000 m2 đệm lót sinh học, đưa tổng đàn lợn toàn tỉnh tăng trên 5%, khắc phục ô nhiễm môi trường dân cư, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Để hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi hộ gia đình, tháng 4/2013, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo thực hiện mô hình liên kết 3 nhà: ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất thức ăn và nhóm hộ chăn nuôi.

Theo đó, ngân hàng cho bà con vay vốn mua thức ăn với cơ chế vay ưu đãi nhất, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bán trực tiếp thức ăn cho nhóm hộ chăn nuôi với giá thấp nhất, nhóm hộ chăn nuôi có trách nhiệm trả tiền mua cám cho ngân hàng.

Liên kết này nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền tỉnh, huyện, xã. Với 4 tháng thực hiện thí điểm, Hà Nam đã có hơn 400 hộ ở 14 xã liên kết thành 36 nhóm.

Ông Đào Quang Xạ, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam cho biết, thời gian qua, Ngân hàng đã cho 8.250 hộ vay vốn phát triển sản xuất, dịch vụ, với số tiền trên 1.000 tỷ đồng, trong đó cho 936 hộ của các xã thí điểm mô hình liên kết ba nhà vay 79,934 tỷ đồng.

Còn lãnh đạo Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà và Công ty TNHH Thương mại Hoàn Dương cho biết, doanh nghiệp này đã cung ứng trên 1.500 tấn thức ăn đến tận nhóm hộ chăn nuôi với giá giảm 5 - 7%.

Mô hình trên đang phục hồi và đưa nghề chăn nuôi hộ gia đình phát triển ở Hà Nam.

Một mô hình sản xuất mới khác là trồng nấm. Ngay trong năm đầu triển khai (2012), Hà Nam có 86 hộ nông dân trồng nấm trên diện tích gần 10.000 m2, trong đó riêng trồng mộc nhĩ có diện tích gần 6.000 m2. Tổng sản lượng đạt 45 tấn nấm các loại, với giá trị trên 3 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận bình quân gần 4 triệu đồng/hộ nông dân.

Trao đổi về hướng sản xuất mới tại địa phương, ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, các cấp chính quyền ở Hà Nam luôn đứng bên cạnh người nông dân để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Theo đó, thời gian tới, Hà Nam tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình nuôi lợn đệm lót sinh học, phấn đấu năm 2013 có thêm 2.000 hộ tham gia với diện tích 20.000 m2 đệm lót; nuôi 10.000 đầu lợn, đưa tổng số hộ chăn nuôi lợn đệm lót sinh học lên trên 3.000 hộ. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết ba nhà cung ứng thức ăn chăn nuôi tới tất cả các xã. Năm 2013, tỉnh tiếp tục hỗ trợ người dân trồng nấm trên 6 tỷ đồng, đưa nghề trồng nấm thành một nghề chính ở địa phương.

Được biết, cũng theo mô hình liên kết ba nhà, tỉnh Hà Nam vừa ký kết với Công ty cổ phần Chế biến chất lượng cao Hải Hưng xây dựng thí điểm trồng cây bí đỏ tại xã Liên Sơn (Kim Bảng) và trồng đậu tương rau tại xã Hợp Lý (Lý Nhân) để xuất khẩu sang Nhật. Tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ đặc biệt đối với 2 mô hình này, còn nông dân thì đã “xắn tay áo”, hứa hẹn bí đỏ và đậu tương rau sẽ trở thành những cây chủ lực mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư