Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: 4 huyện không còn hộ nghèo
Hạnh Nguyên - 23/07/2021 09:54
 
Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (NTM) Thành phố Hà Nội cho biết, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn ở Hà Nội hiện là 0,37% , có 4 huyện không còn hộ nghèo.

Theo đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 của Thủ đô đạt 55 triệu đồng/người/năm, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng, Chương Mỹ 60 triệu đồng…

Hình minh họa.

Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. 100% trạm y tế xã có bác sỹ, 100% xã có kết nối internet. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 90,1%.

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo còn một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như Ứng Hòa 0,08%; Quốc Oai 0,08%...

Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM quý II của Hà Nội là 10.547 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 4.937 tỷ đồng (chiếm 46,8%), ngân sách huyện 4.765 tỷ đồng (chiếm 45,18%), ngân sách xã 372 tỷ đồng (chiếm 3,53%), ngoài ngân sách 471 tỷ đồng.

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng với chiến lược vừa ngăn chặn, kiểm soát bệnh vừa khôi phục phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội, Thành phố đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động nên vẫn tạo được nhiều việc làm mới.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức thành công 111 phiên giao dịch việc làm với 3.149 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia và hơn 17,9 nghìn lượt lao động được phỏng vấn. Kết quả có gần 5,9 nghìn người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho trên 96,7 nghìn lao động, đạt 60,5% kế hoạch giao trong năm, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020 (khi dịch bệnh Covid-19 xâm nhập, bùng phát mạnh, phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch) và tương đương với cùng kỳ năm 2019.

Thành phố cũng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 1,3 nghìn tỷ đồng, giúp tạo thêm sinh kế cho họ

Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 12,1 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với kinh phí trên 68,5 tỷ đồng.

Đến nay, đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 6 tháng đầu năm cho trên 88 nghìn người với số tiền 950 tỷ đồng. Ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 33,4 nghìn người với số tiền 830 tỷ đồng.

Hỗ trợ học nghề cho gần 1,2 nghìn người với số tiền 3,6 tỷ đồng. Hỗ trợ cho 515,5 nghìn người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số tiền là 608,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập và đời sống của nông dân Thủ đô còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày càng cao, nhất là ở các xã thuần nông, xã dân tộc miền núi. Việc đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là nghề phi nông nghiệp ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Môi trường khu vực nông thôn chuyển biến chậm, đặc biệt là các làng nghề ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Khâu quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu. Việc quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa hạn chế.

Thêm vào đó Trung ương chưa ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Bộ tiêu chí NTM các cấp theo các mức độ (NTM, nâng cao, kiểu mẫu), Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ thực hiện. Nguồn lực cho công tác xây dựng NTM vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Hệ thống hạ tầng khu vực nông thôn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn hạn chế.

Nhiều tiêu chí sẽ thiếu bền vững nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp từ Thành phố đến cơ sở và sự vào cuộc của nhân dân như tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo, an ninh trật tự và tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư