Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội: 700 shipper và 8.321 điểm bán hàng hóa phục vụ người dân
Hạnh Nguyên - 27/07/2021 15:50
 
Sở Công Thương Hà Nội đã lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa và công bố 8.321 điểm bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Lập danh sách 700 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa

Liên quan đến vấn đề vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong nội đô, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong ngày 26/7, Sở đã lập danh sách 700 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm gửi Sở Giao thông Vận tải để được cấp thẻ vận chuyển.

Hình minh họa.

Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội đã lập danh sách 700 xe mô tô 2 bánh vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp được cấp thẻ vận chuyển gồm: Công ty CP Thực phẩm Hương Sơn 13 shipper, Công ty CP Sản xuất và thương mại An Việt 17 shipper; Công ty CP Tiên Viên 4 shipper; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế và Thương mại dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long 49 shipper; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây 8 shipper; Công ty TNHH bán lẻ Fuji Mart Việt Nam 39 shipper; Công ty TNHH bán lẻ BRG 182 shipper;

Hệ thống siêu thị Mường Thanh tại Hà Nội 75 shipper; Công TNHH Thương mại Sài Gòn Co.op Hà Nội 21 shipper; Công ty CP Quốc tế Homefarm 174 shipper; HTX DVTH Đông Cao 1 shipper; Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam 19 shipper; Chi nhánh Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam tại Hà Nội 33 shipper; Công ty AEON Việt Nam 34 shipper; Công ty CP kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội 2 shipper.

Danh sách này được Sở Công Thương Hà Nội gửi Sở Giao thông Vận tải đề nghị xem xét, chấp thuận sớm nhất, cho phép các doanh nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp phân phối, siêu thị, cửa hàng thực phẩm được vận chuyển bằng xe máy cung ứng hàng hóa thiết yếu đến các điểm cung ứng, khu dân cư phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố.

Trước đó, để đảm bảo việc lưu thông, cung ứng hàng hóa được thông suốt dưới nhiều hình thức, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm lập danh sách nhân viên thực hiện giao nhận - vận chuyển bằng xe máy.

Danh sách bao gồm: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại di động, biển số xe, địa bàn hoạt động gửi về Sở Công Thương tổng hợp để gửi Sở Giao thông Vận tải chấp thuận. Sở Giao thông Vận tải sẽ chấp thuận bằng gửi qua tin nhắn cho các lái xe để tham gia vận chuyển hàng hóa. Shipper khi đi giao hàng phải có tin nhắn xác nhận từ Sở Giao thông Vận tải. Giám đốc các doanh nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch đối với hàng hóa và nhân viên giao nhận.

Công bố 8.321 điểm bán hàng hóa thiết yếu

Cùng với việc lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa, Sở Công Thương Hà Nội cũng công khai danh sách tổng hợp điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có 8.321 điểm bán hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, cụ thể 7.866 điểm là siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán tạp hóa... và 455 chợ phân bổ khắp quận huyện của TP Hà Nội, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19. Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6 - 22 giờ hàng ngày.

Trong số các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu còn các bưu cục, chuyển phát nhanh nhằm vụ vận tải, cung ứng hàng hóa.

Sau 3 ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, cung ứng hàng hóa trên địa bàn ổn định, các quận/huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, giá cả ổn định.

Tại các chợ, lượng hàng hóa nông sản thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân. Lượng người đi chợ chỉ tập trung chủ yếu vào sáng sớm. Người dân đến các chợ truyền thống để chọn mua thực phẩm (rau củ, quả, thịt, thủy hải sản). Giá cả các mặt hàng tại chợ ổn định, tuy nhiên tại một số chợ giá tăng nhẹ đối với một số mặt hàng rau củ và thịt.

Tại các siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, lượng khách đến mua sắm tương đương ngày thường. Hệ thống siêu thị VinMart lượng khách đến mua sắm giảm, tương đương ngày bình thường, Hệ thống Big C lượng khách ngày 26/7 giảm 30% so với ngày hôm trước, Hệ thống siêu thị Lan Chi khách đến mua sắm tăng nhẹ so với ngày thường…

Khách hàng đến các siêu thị, chuỗi chủ yếu để mua các nhóm mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau củ, quả, thịt, cá). Nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm dồi dào, hàng hóa được cung cấp liên tục lên kệ hàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.

Một số hệ thống siêu thị đã tăng lượng cung ứng gấp 200% so với bình thường để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân. Giá bán các mặt hàng tại siêu thị, chuỗi được niêm yết theo quy định, giá cả ổn định, không tăng so với bình thường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư