Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội chính thức khai hội Lễ Hội Gióng Đền Phù Đổng năm 2022
Hồng Hạnh - 07/05/2022 08:52
 
Tối 6/5, UBND huyện Gia Lâm, Hà Nội tổ chức Lễ Hội Gióng Đền Phù Đổng năm 2022 và đón quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”.
Đại diện lãnh đạo Trung ương, Thành phố  Hà Nội và huyện Gia Lâm nhấn nút khai trương APP du lịch Gia Lâm.

Lễ hội Gióng Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm là Hội Trận, được vua Lý Công Uẩn cho khởi tạo và tổ chức từ thời Lý; diễn ra từ ngày mùng 7 - 9/4 âm lịch hàng năm, nhằm tái hiện lại các trận đánh oai hùng của Thánh Gióng - Người con của làng Phù Đổng đánh giặc ngoại xâm phương Bắc. 

Lễ hội được nhân dân Phù Đổng bảo tồn, trao truyền cơ bản nguyên vẹn từ đời này qua đời khác; là một kịch trường dân gian, diễn ra trong một không gian rộng lớn với hàng nghìn vai diễn chính là nhân dân; nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. 

Với sự đặc sắc và những giá trị lo lớn ấy, năm 2010, Hội Gióng ở Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng với Hội Gióng Đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.  

Lễ hội năm nay được tổ chức 5 ngày, từ ngày 6/5 - 10/5 (tức ngày mùng 6 - 10/4 năm Nhâm Dần) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng và các điểm du lịch với nhiều hoạt động.

Ngày 6/5 (tức mùng 6/4 năm Nhâm Dần) diễn ra Ngoại đàn tại Đền Thượng; Khai mạc Chợ quê tại Phù Đổng Green Park, lễ hội Hoa giấy Phù Đổng lần thứ nhất; Khai trương các Cơ sở mua sắm, cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các gian hàng OCOP, xúc tiến quảng bá du lịch.

Khai mạc Lễ hội Gióng Đền Phù Đổng năm 2022; đón quyết định công nhận Điểm du lịch Phù Đổng tại Đền Thượng, Khu di tích Đền Phù Đổng.

Ngày 7/5 (tức mùng 7/4 năm Nhâm Dần): Tế thánh tại Đền Thượng; Ngoại đàn tại sân Đền Thượng; Lễ rước khám đường; Ra mắt HTX Du lịch Hội Gióng Phù Đổng; Trải nghiệm các Chương trình tham quan tại khu sinh thái Phù Đổng Green Park; Thi đấu giải cầu lông, bóng chuyền; Hát quan họ tại Ao rối; Giao lưu văn nghệ truyền thống.

Ngày 8/5 (tức mùng 8/4 năm Nhâm Dần): Tế thánh tại Đền Thượng; Lễ rước nước truyền thống; Kén tướng; Thi đấu giải bóng chuyền; Các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch; Biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống: quan họ, hát chèo, hát tuồng.

Ngày 9/5 (tức mùng 9/4 năm Nhâm Dần) – ngày chính Hội: Tế thánh tại Đền Thượng; Hội trận truyền thống; Hát quan họ; Các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch; Chương trình múa rối tổng hợp.

Ngày 10/5 (tức mùng 10/4 năm Nhâm Dần): Tế thánh tại Đền Thượng; Các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch; Biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Tại Lễ khai mạc Lễ hội Gióng Đền Phù Đổng năm 2022, đại diện lãnh đạo Thành phố Hà Nội và huyện Gia Lâm đã nhấn nút khai trương Cổng thông tin điện tử và APP du lịch Gia Lâm. 

Đây sẽ là kênh thông tin hữu ích cho những ai yêu mến và muốn tìm hiểu về di tích, văn hóa, danh lam thắng cảnh của Gia Lâm. 

Hà Nội: Quy hoạch huyện Gia Lâm trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1073/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm đến năm 2030 và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư