Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hà Nội đầu tư phát triển làng nghề truyền thống Bát Tràng và Vạn Phúc
Trang Nguyễn - 16/03/2016 19:11
 
UBND Thành phố Hà Nội vừa có chủ trương tổ chức thực hiện thí điểm mô hình dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại 2 làng nghề điển hình có điều kiện phát triển đồng bộ là làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc.
1
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Cụ thể, Dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng có diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 120ha tại khu vực ngoài đê sông Hồng, nằm trên địa giới hành chính xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc có diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 51,6ha (bao gồm: làng Vạn Phúc hiện có khoảng 38,2ha, khu đất đấu giá Vạn Phúc khoảng 1,84ha, một phần điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Vạn Phúc khoảng 5,67ha, một phần dự án đầu tư Khu nhà ở TSQ Galaxy 1 khoảng 5,89ha), nằm trên địa giới hành chính phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo thiết kế, dự án bảo tồn phát triển làng nghề phải đảm bảo có 07 khu vực chức năng chính gồm hệ thống bãi đỗ xe phục vụ du lịch và sản xuất, dịch vụ; Khu ẩm thực nhằm phục vụ các món truyền thống mang đậm bản sắc địa phương, Thủ đô Hà Nội, các vùng, miền trên khắp đất nước và các nhu cầu ẩm thực khác của du khách.

Khu hạ tầng kỹ thuật bao gồm: (1) Hệ thống giao thông nội bộ làng nghề; (2) Hệ thống hạ tầng dịch vụ du lịch: bố trí các công trình dịch vụ thuận tiện cho du khách (nhà vệ sinh công cộng, các ki-ốt bán hàng, các biển báo, chỉ dẫn,...); (3) Cải tạo xây dựng vườn hoa, cây xanh, sân vườn, tiểu cảnh kết hợp việc chỉnh trang, trang trí các công trình hiện có (kiến trúc mặt đứng các công trình nhà cổ, dân cư hiện có) để khôi phục không gian, cảnh quan khu vực làng nghề; (4) Hạ tầng khu vui chơi, giải trí, công viên, vườn hoa...; (5) Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống thu gom rác thải đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường và cảnh quan; 6) Hệ thống chiếu sáng đường, chiếu sáng công trình.

Khu vực công trình, địa điểm dành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng (kết hợp vui chơi, thể thao), trên cơ sở bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc như: biểu diễn chèo, múa rối nước.

Ngoài ra, dự án còn có khu vực thương mại giới thiệu và bán sản phẩm nghề truyền thống; Khu vực bảo tồn các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị văn hóa, cơ sở sản xuất nghề truyền thống; Khu vực xây dựng Bảo tàng hoặc Nhà truyền thống làng nghề.

Dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch nhằm xây dựng điểm đến du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; trên cơ sở phù hợp quy hoạch, bảo tồn, khai thác, phát huy tốt các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghề truyền thống của làng nghề; đảm bảo thân thiện với môi trường và hài hòa với cảnh quan khu vực.

UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Du lịch chủ trì xây dựng Đề án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc; Phối hợp với Tổng Công ty Du lịch Hà Nội hướng dẫn đơn vị tư vấn liên hệ và làm việc với UBND phường Vạn Phúc, UBND xã Bát Tràng để cung cấp thông tin trong quá trình nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế ý tưởng.

Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, chuẩn bị đề xuất UBND Thành phố tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế ý tưởng và tổ chức Hội thảo về phương án bảo tồn, phát triển 2 làng nghề vào cuối tháng 4/2016.

116 tỷ đồng xây khu trưng bày gốm sứ Bát Tràng
Khu trưng bày gốm sứ Bát Tràng kết hợp với nhà hàng, nhà khách và bãi đỗ xe tĩnh, sẽ là điểm thương mại và du lịch, tạo sức phát triển làng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư