Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội gỡ vướng cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Thanh Nga - 20/05/2020 09:11
 
Hà Nội đang kêu gọi đầu tư vào hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời gỡ vướng về đất đai, chính sách, thủ tục hành chính, nhằm tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
.
Hà Nội đang kêu gọi đầu tư vào hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều dự án chờ nhà đầu tư

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội, những năm qua, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, Hà Nội đã tiếp nhận, chuyển giao thành công nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho giá trị gia tăng cao, góp phần tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể kể đến mô hình sản xuất nấm công nghệ cao của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Công ty đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản, với quy mô hơn 3.000 m2, sản lượng đạt 30 tấn/tháng, mang lại doanh thu 1,8 - 2 tỷ đồng/tháng. Hay như mô hình trồng hoa, sản xuất giống hoa nuôi cấy mô của Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội, vốn đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng phòng nuôi cấy mô và 7 ha trồng hoa ứng dụng công nghệ hiện đại tại huyện Mê Linh và Sóc Sơn.

Cũng theo ông Mỹ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại kết quả rất tốt. Vì thế, lĩnh vực này vẫn đang được Thành phố chú trọng đầu tư, phát triển. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội đã công bố danh sách 11 dự án kêu gọi đầu tư trực tiếp giai đoạn 2019 - 2025, tập trung các huyện ngoại thành, trong đó có 7 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng.

Tập trung gỡ vướng

Thành phố hiện có 129 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, cùng một số mô hình công nghệ cao do các hợp tác xã và cá nhân triển khai thực hiện, song các mô hình mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần, chưa phát huy hết tiềm năng.

Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội chia sẻ, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là nguồn vốn và quỹ đất.

Cụ thể, để đầu tư cho 1 ha đất ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp cần vốn khoảng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến, cần thêm 6 - 10 ha, nên nhiều doanh nghiệp rất khó có quỹ đất để đầu tư.

Để giải quyết vướng mắc, ông Chu Phú Mỹ cho biết, Thành phố đang từng bước tháo gỡ khó khăn về đất đai và nguồn vốn ở những cấp độ khác nhau qua Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố sẽ có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình có dự án, phương án đầu tư để phát triển sản xuất giống, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao…

Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, Thành phố dành hơn 204 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; 233 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

“Hà Nội sẽ hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ cao lên đến 300 triệu đồng/ứng dụng”, ông Chu Phú Mỹ khẳng định.

Quảng Bình tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 18 cơ sở sản xuất trồng trọt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư