Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 05 năm 2025,
Hà Nội: Hào hùng những đêm lịch sử
Xuân Nguyễn - 08/10/2014 07:18
 
() Lịch sử hiện đại của Việt Nam mãi mãi ngời sáng với hai đêm lịch sử của Hà Nội: đêm toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) và 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (tháng 12/1972).
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hà Nội rực rỡ cờ hoa mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô
Chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
30 điểm bắn pháo hoa mừng 60 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội - đêm toàn quốc kháng chiến

“Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đó là lời kêu gọi của Bác Hồ ngay trong đêm toàn quốc kháng chiến - 19/12/1946.

  Hà Nội ngày trở về  
  Hà Nội ngày trở về  

Việt Nam giành được độc lập sau cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau đó, Bác Hồ đã kiên nhẫn, thương thuyết trong danh dự cao nhất để ký với nước Pháp Hiệp định sơ bộ 6/3 và tạm ước 14/9 trong năm 1946, nhưng kẻ thù phản bội, trắng trợn gây hấn Việt Nam tại Nam Bộ rồi xé bỏ hai hiệp định nói trên bằng cách nổ súng tấn công Thủ đô Hà Nội vào đêm 19/12/1946.

Vâng lệnh Người, triệu triệu người ra trận. Triệu triệu người hăng hái sản xuất, thi đua giết giặc. Cùng với cả nước, quân và dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu chống quân thù, quyết giữ từng góc phố, ác liệt nhất là cuộc chiến đấu bảo vệ Liên khu I (khu vực quận Hoàn Kiếm hiện nay).

Ngày 17/2/1947, Trung đoàn Thủ đô sau khi dũng cảm, kiên cường bảo vệ Thủ đô đã rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng. Tám năm sau, Trung đoàn Thủ đô, sau khi chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ, đã trở về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954 trong sự đón chào nồng thắm của người Hà Nội - biểu tượng đẹp, nhân văn của mối

Tình “quân với dân như cá với nước”

Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) số 85 ra ngày 4/12/1946 đăng bài viết của Tổng Bí thư Trường Chinh với nhận định sắc sảo: “Dân tộc ta có thể trường kỳ kháng chiến. Nhưng quân Pháp quyết không thể trường kỳ xâm lược, bởi như báo “Paris Giải phóng” của nước Pháp thú nhận, vì nước Pháp sau bao năm thuộc Đức và nhiều năm chiến tranh đã thiếu thốn nhiều mặt vật chất và tinh thần. Dân tộc ta có thể chịu đựng mọi gian nan cực khổ, vì chúng ta biết hy sinh, phấn đấu cho chính nghĩa, cho tương lai…”.

Chính vì lẽ đó mà trong cuộc trường chinh 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu. Trang sử liệt oanh này khởi sự từ đêm lịch sử toàn quốc kháng chiến: 19/12/1946.

Cuộc trường chinh này được Bác Hồ theo sát từng giây, từng phút. Ngày Bác đi xa, đồng bào cả nước và bầu bạn năm châu tiếc thương Người không có chữ nghĩa nào có thể tả hết. UNESCO đã vinh danh Người là Nhà văn hóa thế giới.

Trong cuộc trường chinh đó, với tài thao lược, tài cầm quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành thiên tài quân sự bậc nhất thế giới trong mọi thời đại, là một trong số 21 vị tướng lừng danh từ trước đến nay của thế giới.

Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Khi cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, Hồ Chủ tịch đã tiên đoán: “Trước sau Mỹ cũng sẽ đưa máy bay B.52 ra đánh phá miền Bắc, nhưng Mỹ chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

Quả đúng như vậy. Cuối năm 1972, Nixon đã đưa hàng loạt máy bay chiến lược - pháo đài bay B.52 tiến đánh Hà Nội và Hải Phòng. Đêm “định mệnh” ấy là đêm 17/12/1972.

Một lần nữa, lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam lại bùng lên trong oai phong tựa Thánh Gióng, làm nên bản hùng ca bất hủ, bất tử trong Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Năm ấy, cũng tựa như 26 năm về trước, năm 1946, trời Hà Nội rét như cắt da cắt thịt, nhưng quân và dân Hà Nội anh dũng, hiên ngang chống trả hàng trăm máy bay chiến lược, máy bay chiến thuật, máy bay tàng hình của Mỹ...

Từ cái đêm lịch sử đó, trong từ điển Việt Nam, từ điển thế giới đã xuất hiện thêm cụm từ rất mới, rất độc đáo, đó là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, cũng như có môn học mới: “Việt Nam học”.

Hai đêm lịch sử của dân tộc Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX là những đêm hết sức oai hùng. Đêm đầu tiên có Bác Hồ bên cạnh. Đêm thứ hai, tuy Bác Hồ đã đi xa trước đó 3 năm, nhưng vị tướng cầm quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nung nấu trong trái tim mình quyết tâm sắt đá vốn được Bác Hồ căn dặn: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập, tự do”.

Kết thúc 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, 34 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 29 máy bay B.52 các loại cùng nhiều giặc lái sừng sỏ của đối phương đã tan xác hoặc bị bắt sống. Lời tiên tri trước đó của Bác Hồ thành sự thật và Mỹ đã phải ngồi vào bàn ký Hiệp định hòa bình tại Paris. Sau đó không lâu, với đại thắng mùa Xuân năm 1975, giang sơn đã thu về một mối.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư