Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội hình thành nhiều tuyến điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn
Hồ Hạ - 14/09/2023 09:09
 
Hà Nội đang tích cực liên kết với các địa phương, triển khai nhiều giải pháp để tạo dựng thương hiệu, phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Lồng ghép phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, cả nước đã có gần 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Bộ tiêu chí về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Sau giai đoạn đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung thực hiện đạt tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo chuẩn quy định, Hà Nội sớm ban hành và triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND thực hiện phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần có thêm nhiều xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ năm 2022, Hà Nội có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao, thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đó là điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm).

“Hơn một năm qua, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang cho hay.

Ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, du lịch sinh thái, còn có điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).

Đánh giá tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội, bà Nguyễn Thị Phượng, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, Thủ đô có lợi thế lớn khi phát triển du lịch kết hợp với xây dựng nông thôn mới và đã hình thành được nhiều điểm du lịch ở nông thôn như khu thắng cảnh Hương Sơn; làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp như trang trại dê trắng, trang trại đồng quê Ba Vì (huyện Ba Vì). Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều làng nghề nổi tiếng như gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)… có sức hút với du khách.

Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, nhiều điểm du lịch chưa có sự hợp tác, liên kết.

Tăng cường kết nối với các địa phương

Để tạo dựng được thương hiệu và phát triển loại hình du lịch này, cuối tháng 8, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Chuyến khảo sát giúp các địa phương của Hà Nội có thêm kinh nghiệm để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp phù hợp với tài nguyên của từng địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương mình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ông Tán Văn Vương cho biết, Đà Nẵng đã có Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025. Theo đó, sẽ có 15 mô hình thí điểm, các dịch vụ được triển khai trong mô hình thí điểm gồm dịch vụ trải nghiệm như tổ chức cho khách trồng, thu hoạch, đóng gói rau củ quả, thả lưới, câu cá, giáo dục trải nghiệm ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng cho học sinh…

Qua chuyến khảo sát, Chi hội trưởng Chi hội làng nghề - nghề cổ - làng văn hóa (Hiệp hội Du lịch Hà Nội) Nguyễn Văn Sử cho hay, Chi hội sẽ nghiên cứu thêm cách làm của các địa phương để áp dụng trong việc làm mới sản phẩm làng nghề, tiến tới tạo sự kết nối để các sản phẩm làng nghề Hà Nội có sức lan tỏa.

Nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy nguồn lực để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, đại diện Sở Du lịch Hà Nội thông tin, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chủ trì tham mưu một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: triển khai, thực hiện có hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ giải pháp chương trình, kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và Thành phố. Rà soát, bổ sung nội dung về phát triển du lịch nông thôn vào các quy hoạch đã có như Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch Xây dựng nông thôn mới, Quy hoạch Hệ thống du lịch quốc gia...

Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP. Tăng cường liên kết với các địa phương trên cả nước, đặc biệt là xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân - hợp tác xã - hộ kinh doanh - doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn… để tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội.

Tạo dựng thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội
Thủ đô Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch nông nghiệp nông thôn Hà Nội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư