Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội: Hơn 23.000 đại biểu dự Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU
Thiên Phúc - 17/08/2023 07:24
 
Ngày 16/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023, về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP. Hà Nội.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Thành ủy và trực tuyến tới 649 điểm cầu với 23.041 đại biểu tham dự.


Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao hiệu quả giải quyết công việc

Quán triệt một số nội dung chủ yếu Chỉ thị số 24-CT/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chủ động, sáng tạo, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và đã đạt được kết quả khá toàn diện. 

Một số việc lớn có tính chiến lược, việc khó, tồn tại từ nhiều năm của TP đã được lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, bước đầu đạt kết quả, tạo chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, gần đây, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của không ít tập thể cấp ủy, địa phương, đơn vị; trong tham mưu, xử lý công việc của nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần được thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Để Chỉ thị thực sự phát huy được hiệu quả, đi vào thực chất, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ và yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở, toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP tập trung thực hiện. 

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị TP.

Thứ hai, yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến quán triệt một số nội dung chủ yếu Chỉ thị số 24-CT/TU

Thứ ba, rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp, ngành, đơn vị theo nguyên tắc là toàn bộ các nội dung phải được quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành của Trung ương và TP….

Thứ tư, về công tác cán bộ, yêu cầu phải kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, vị thế, đầu tư của TP, mất đoàn kết nội bộ, tín nhiệm thấp, dư luận cán bộ, đảng viên và đơn thư phản ánh tiêu cực, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu. 

Thứ năm, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan…

Thứ sáu, phát động phong trào thi đua về nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, quy chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị; đưa kết quả thực hiện Chỉ thị này thành một trong những tiêu chí quan trọng để kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Đồng thời, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên, cổ vũ, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhân rộng các mô hình, cách làm hay.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, bên cạnh các nội dung chính của Chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghiên cứu đưa ra Phụ lục về khung gợi ý nhận diện một số biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP để các tập thể và cá nhân “tự soi”, “tự sửa” và đồng thời cũng là một trong các căn cứ để xem xét và xử lý quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân khi có những biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc.

“Có thể nói, Hà Nội là địa phương đầu tiên đưa ra khung nhận diện một số biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, điều đó thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị TP. 

Tiếp đó, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy đã quán triệt Kế hoạch số 171-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP. Hà Nội.

Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để nhìn nhận, đánh giá, khẳng định những việc làm tốt, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời, trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp uỷ, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị TP về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng các cơ quan, địa phương, đơn vị. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, TP đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh cũng như xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của TP đều đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP vẫn còn những tồn tại, hạn chế. 

Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Chỉ thị, Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cần đặc biệt chú ý một số vấn đề, cụ thể:

Thứ nhất, cần tiếp tục nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của Chỉ thị; nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn thành phố, xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, coi đây là cơ sở quan trọng để các cấp, ngành tổ chức thực hiện.

Đồng thời, tiếp tục triển khai tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai ở địa phương, đơn vị cho các đồng chí cán bộ, đảng viên chưa được dự Hội nghị này.

Thứ hai, về tổ chức thực hiện, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính quyết định việc đưa các nội dung của Chỉ thị và nhiệm vụ giải pháp trong Kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống đạt hiệu quả, chất lượng; là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị; 

Cần được các cấp, ngành xác định rõ vị trí, tầm quan trọng, phát huy dân chủ, bàn bạc kỹ lưỡng, đầu tư “trí, lực” và quyết tâm chính trị tương xứng, thể hiện quyết tâm chính trị tương xứng, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, bảo đảm biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức viên chức có năng lực, phẩm chất tốt, gương mẫu, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;…

Thứ tư, đặc biệt chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng. Các cấp ủy và từng đồng chí đảng viên phải gương mẫu, đi đầu, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng. 

Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững và tăng cường kỳ luật, kỷ cương, đoàn kết nội bộ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. 

Thứ năm, ngay sau Hội nghị này, đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được giao phụ trách các đảng bộ trực thuộc Thành ủy, các đồng chí Lãnh đạo UBND TP phụ trách lĩnh vực, sở, ngành, đơn vị thuộc TP nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác hướng dẫn, gắn với thường xuyên đôn đốc, kiểm tra trong việc thực hiện Chỉ thị. 

Các ban Đảng, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành uỷ tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình, bước đi vững chắc, phù hợp để triển khai thực hiện Chỉ thị một cách bài bản, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, thống nhất cao ý chí và hành động để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng mong muốn: “Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của TP đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng phải đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra. 

Đảng bộ TP. Hà Nội quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển, “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại””.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư