Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội: Kết nối nông sản, thực phẩm an toàn vào hệ thống chợ truyền thống
Nguyễn Linh - 27/10/2023 16:30
 
Sáng 27/10, tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã khai mạc “Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”.

Hội chợ thu hút 150 gian hàng của khoảng gần 100 đơn vị tham gia đến từ 20 tỉnh, thành phố, các quận, huyện, thị xã cả thành phố Hà Nội với nhiều chủng loại sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền, các sản phẩm OCOP của các địa phương như: Na Mộc Châu, Tỏi một nhánh Sơn La, Mực giã tay Quảng Ninh, Trà Shan Tuyết Hà Giang, Mật ong Hưng Yên…

Thông qua “Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023", các doanh nghiệp, siêu thị, các chuỗi sản xuất - cung ứng thực phẩm an toàn; các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu… có cơ hội nâng cao hiệu quả kết nối tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm nguồn cung hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố.

Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm tại hội chợ.

Mang đến hội chợ các đặc sản “hương đồng gió nội” của Mộc Châu (Sơn La), ông Trần Trọng Bình, Giám đốc Hợp tác xã cựu chiến binh Mộc Châu cho biết, hợp tác xã thường xuyên tham gia các hội chợ, tuần hàng do Sở Công Thương Hà Nội cũng như các đơn vị khác tổ chức nhằm quảng bá tới người dân Thủ đô các đặc sản của địa phương như: na mắt dứa, susu, bí xanh, rau cải mèo, các loại mật ong nhãn, mật ong hoa rừng tổng hợp, cao xương ngựa bạch… Đặc biệt, mật ong và cao xương ngựa bạch đã được cấp chứng nhận thương hiệu vàng, sản phẩm tiêu dùng uy tín Việt Nam.

"Tôi mong muốn thông qua hội chợ, Hợp tác xã sẽ tìm kiếm được nhiều đối tác, khách hàng hơn nữa, đặc biệt là các nông sản, thực phẩm an toàn của huyện Mộc Châu sẽ được đưa nhiều vào hệ thống các chợ của Hà Nội, đặc biệt là sản phẩm mật ong, na sầu riêng, na mắt dứa, bơ Cuba… để người dân Thủ đô biết thêm được nhiều sản phẩm của tỉnh nhà", ông Bình bày tỏ.

Trình diễn quy trình chế biến thực phẩm tại chỗ, từ tất cả các công đoạn để làm ra chả cá thát lát.

Bà Dương Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm và nông sản Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ, những năm gần đây, đơn vị đều tham gia nhiều hội chợ với sản phẩm chủ lực là chả cá thát lát với thương hiệu Huệ Dương - một sản phẩm thực phẩm đặc trưng có nguồn nguyên liệu từ tỉnh Hậu Giang. Chả cá thát lát là sản phẩm đặc sản vùng miền nên lượng khách hàng đến gian hàng khá ổn định, trong đó nhiều người là khách quen từ các hội chợ trước.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện TP. Hà Nội có 453 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối, lượng nông sản thực phẩm tại chợ cung ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ của nhân dân Thủ đô. Nguồn hàng nông sản thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn Thành phố rất đa dạng,… nên việc kiểm soát chất lượng đầu vào còn gặp nhiều khó khăn.

Để từng bước kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm lưu thông tại các chợ phục vụ nhân dân Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành đơn vị, UBND các quận huyện thị xã tích cực triển khai các nhiệm vụ của Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025". 

 Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với các sở ngành đơn vị, UBND các quận huyện thị xã tích cực triển khai các nhiệm vụ tại Đề án; đồng thời triển khai xây dựng, lắp đặt nhà trạm xét nghiệm nhanh tại chợ phục vụ cho công tác xét nghiệm, lấy mẫu thực phẩm (đã xây dựng 20 trạm trên địa bàn 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đông Anh)...

Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm và các nội dung, chỉ tiêu của Đề án an toàn thực phẩm tại chợ; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án an toàn thực phẩm tại chợ, theo đó phấn đấu đến hết tháng 12/2025, 100% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn được cấp biển nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn…

“Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối cung - cầu các sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng vào hệ thống siêu thị phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân Thủ đô trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.”, bà Lan nhấn mạnh.

7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống phục vụ người dân Thủ đô
Hà Nội hiện đang có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư