Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Góc nhìn Đầu tư
Hà Nội khẳng định vị thế dẫn đầu
Hà Nguyễn - 26/06/2017 10:07
 
Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã là cơ hội để Hà Nội một lần nữa khẳng định vị thế dẫn đầu trong thu hút đầu tư, dẫn đầu trong phát triển kinh tế, trở thành đầu tàu và động lực phát triển của khu vực phía Bắc cùng cả nước.
.
Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” đã diễn ra thành công trong ngày 25/6/2017

Thực tế, không phải đến bây giờ, vị thế này của Hà Nội mới được khẳng định. Song trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, khi nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, hơn lúc nào hết, Hà Nội càng phải thể hiện được vai trò dẫn đầu, vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Suốt giai đoạn vừa qua, Hà Nội đã làm được điều đó. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất là năm 2016, tăng trưởng GRDP của Hà Nội đạt 8,2%, cao nhất trong 6 năm gần đây. Sáu tháng đầu năm nay, trong khi kinh tế cả nước khó khăn, nhưng mức tăng trưởng GRDP của Hà Nội vẫn là 7,37%, cao hơn so với con số 7,34% của cùng kỳ 2016 và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Điều đó có nghĩa, Hà Nội đang đóng góp không nhỏ, góp phần tạo lực kéo để kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn.

Nhưng cũng phải thấy rõ một điều rằng, là Thủ đô của cả nước, nên Hà Nội còn rất nhiều việc cần làm để thực sự trở thành trung tâm kinh tế lớn của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cũng như của cả nước, để cùng với TP.HCM - đầu tàu kinh tế phía Nam, dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam bước lên nấc thang phát triển mới.

Sự phát triển của Hà Nội, vì thế, cần được đặt trong bối cảnh liên kết với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô, chứ không đơn thuần là một địa phương có nền kinh tế phát triển mạnh.

Tính liên kết vùng vốn đã luôn được đặt ra với với các vùng kinh tế trọng điểm khác. Với Hà Nội, thậm chí càng phải quyết liệt, triệt để và hiệu quả hơn, bởi Hà Nội là trái tim của cả nước, là tâm điểm mà cả thế giới nhìn vào. Phải làm sao, từ tâm điểm Hà Nội, tạo nên kết cấu kinh tế phát triển mạnh, bền vững tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như Vùng Thủ đô, tạo động lực cho phát triển kinh tế cả nước.

Với những ý nghĩa ấy, thì ngay cả trong thu hút đầu tư, Hà Nội cũng cần được đặt ở vị trí trung tâm, từ đó tạo sức lan tỏa sang địa phương lân cận. Một khi có được sự liên kết này, thì thu hút đầu tư của toàn vùng sẽ được cải thiện đáng kể.

Hơn thế, là Thủ đô, là trung tâm chính trị, văn hóa, cũng đã là trung tâm kinh tế, nhưng Hà Nội còn phải trở thành trung tâm sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm khoa học hàng đầu của đất nước.

Thế giới đang biến đổi từng ngày với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc chơi” đó. Hẳn nhiên, Hà Nội, nơi tập trung đông đảo các trường đại học của cả nước, nơi thu hút hàng vạn nhà khoa học tới làm việc… cũng phải làm được điều đó, phải trở thành “đầu não” khoa học của đất nước. Không có khoa học - công nghệ, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, thậm chí sẽ tụt hậu, chứ chưa nói đến cạnh tranh được và bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.

Cũng bởi những mục tiêu ấy, thu hút đầu tư của Hà Nội sẽ không thể như các địa phương khác trong cả nước, có nghĩa không gật đầu với các dự án thâm dụng lao động, hay chấp nhận những dự án có công nghệ lạc hậu, mà phải hướng đến công nghệ cao, hướng đến các ngành dịch vụ hiện đại, hướng đến các dự án hạ tầng quy mô lớn, đủ sức làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt Thủ đô…

Chỉ như vậy, Hà Nội mới có thêm nguồn lực quan trọng, có thêm nền tảng để thực sự trở thành đầu tàu, thành động lực tăng trưởng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Thủ đô, đóng góp xứng đáng hơn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào 136 dự án tại Hà Nội
17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802,7 nghìn tỷ đồng và 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303,85 nghìn tỷ đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư