Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 12 năm 2024,
Hà Nội: Ngành kinh tế sinh thái không ngừng phát triển
Hạnh Nguyên - 12/12/2021 08:00
 
Những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh - ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh ở Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ.

Hoa, cây cảnh là thú chơi tao nhã, là nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Bắt nguồn từ đó, ngành kinh tế sinh thái ở Thủ đô ngày càng phát triển. Chẳng những hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn, Thủ đô còn có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao, từng bước tham gia xuất khẩu.

Nông dân xã Mê Linh, huyện Mê Linh chăm sóc cho vườn hoa hồng.

Những vựa hoa của Hà thành

Sau nhiều tháng ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, các nhà vườn ở Hà Nội đang tất bật khôi phục sản xuất để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường dịp lễ, Tết cuối năm.

Huyện Mê Linh được xem là “thủ phủ” hoa của Hà thành. Những ngày này, dọc quốc lộ 23B, đoạn qua địa phận xã Mê Linh, những nhà vườn tràn ngập hoa, cây cảnh đủ kiểu dáng, kích thước, chủng loại, sắc màu.

Vườn hoa Tài Lý (thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) thu hút người chơi hoa sành sỏi với những chậu hoa hồng thế độc và lạ. Ông Phạm Đức Tài, chủ vườn hoa Tài Lý cho biết, sinh ra ở đất trồng hoa, nhưng khi mới lập nghiệp năm 1991, ông gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm na ná các hộ, nhà vườn khác. Quyết tâm “đổi đời” từ nghề trồng hoa truyền thống, ông Tài mạnh dạn thuê 6.000m2 đất trồng hoa hồng quế, rồi học hỏi kỹ thuật trồng hoa hồng thế, hồng bonsai để tạo sự khác biệt và đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.

Luôn chủ động “đi trước, đón đầu” trong việc lai tạo các giống hoa mới giúp ông Tài trở nên phát tài khi sở hữu nhiều loại hoa có giá trị, nhất là những cây hồng cổ, hồng ngoại, cúc cổ… “độc nhất vô nhị”, giá trị kinh tế rất cao. Vườn hoa thường xuyên duy trì khoảng vài nghìn gốc hồng cổ tuổi đời trên 50 năm. Để có được những cây hồng thế và hồng bonsai đẹp, ông Tài phải bỏ ra số vốn đầu tư khá lớn. Tính tiêng tiền chậu đã lên tới hàng trăm triệu đồng và chỉ được thu hồi vào dịp Tết.

Hoa hồng thế được xem như sản phẩm mang tính nghệ thuật, có khả năng ra hoa và chơi quanh năm nên ông Tài làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Bên cạnh niềm đam mê hoa hồng, ông còn phát triển thêm các giống hoa lan biến đổi gen. Tùy từng năm, ông Tài thu được 400-700 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

Nếu như năm 1995, xã Mê Linh mới có 2ha trồng hoa thì đến nay cả xã đã có 236ha. Ở Mê Linh hầu hết các hộ dân đều trồng và buôn bán hoa. Hoa ở ngoài đồng, hoa trong vườn nhà đều phủ kín khiến làng quê nơi đây lúc nào cũng rực rỡ sắc màu và đem lại đời sống ấm no cho nhân dân.

Sản phẩm hoa của huyện Mê Linh được tiêu thụ quanh năm, khắp mọi miền đất nước. Nếu như các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc thích hoa truyền thống thì các tỉnh Trung Bộ và miền Nam lại ưa chuộng giống ngoại nhập.

Theo Trưởng Phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, toàn huyện có gần 100ha sản xuất hoa bầu, hoa chậu, hoa thế với sự tham gia của khoảng 500 hộ dân. Ngoài ra, toàn huyện canh tác khoảng 700-800ha hoa cắt cành các loại, chủ yếu là cúc, hồng, ly... Diện tích hoa tập trung tại các xã: Đại Thịnh, Mê Linh, Văn Khê... Hằng năm, địa phương này cung ứng cho thị trường hàng chục triệu chậu hoa cảnh các loại.

Những vườn hoa rực rỡ đón vụ Tết.

Nếu như xã Mê Linh, huyện Mê Linh được xem là “thủ phủ” hoa hồng của Hà thành, thì xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được ví như vựa hoa giấy của Thủ đô. Đến đây, nhiều người không khỏi choáng ngợp bởi những vườn hoa giấy nối liền nhau từ đầu làng đến tận chân đê.

Ông Nguyễn Đông Thắng, chủ vườn hoa giấy rộng 4ha cho biết, hoa giấy rất dễ trồng, lại là loài hoa để trang trí trước cửa nhà, hàng rào hay trồng trong chậu, tạo mỹ cảnh, đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Hoa giấy mang nhiều màu sắc lung linh cùng vẻ đẹp của sự mộc mạc, nhẹ nhàng nên được nhiều người yêu thích.

Vườn hoa của ông Thắng có tới hơn 1 vạn cây hoa giấy đủ chủng loại, từ hoa giấy bonsai, hoa giấy ghép nhiều màu, hoa giấy ta, hoa giấy Thái, hoa giấy Mỹ, hoa giấy tím Huế, hoa giấy ngũ sắc, hoa giấy hai màu đến những cây hoa giấy “khổng lồ” dùng làm tiểu cảnh cho các công trình, nhà vườn.

Ông Thắng bật mí, khi chưa có đại dịch Covid-19, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 1 tỷ đồng nhờ trồng hoa giấy, sau khi đã trừ chi phí. Tùy từng loại, mỗi cây hoa giấy có giá từ 50 nghìn đồng đến 30 triệu đồng. Khi có dịch, thu nhập từ hoa giấy giảm gần 50% do bị hạn chế về vận chuyển và nhu cầu ít đi. Các công trình thì vẫn xây dựng và đặt hoa, nhưng chậm hơn trước.

Ông Phùng Xuân Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phù Đổng cho biết, cách đây hơn 20 năm, một số hộ dân ở Phù Đổng đã bắt đầu trồng hoa, cây cảnh. Nhờ sự khéo léo của đôi tay, tư duy nhanh nhạy, cùng điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên nghề trồng hoa, cây cảnh ở Phù Đổng ngày càng phát triển.

Trồng hoa giấy nay trở thành nghề mang đến thu nhập chính cho người dân xã Phù Đổng với hơn 300 hộ trồng hoa giấy, diện tích khoảng gần 100ha, chiếm khoảng 30% diện tích đất nông nghiệp (còn lại là cây ăn quả, cây cảnh, các mô hình vườn ao chuồng, diện tích trồng lúa chỉ còn trên 30ha).

Doanh thu các hộ trồng hoa giấy ước khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng/1ha, (khoảng từ 25-30 triệu đồng/sào. Riêng các hộ sản xuất cây hoa giấy thế, bon sai doanh thu từ 50 đến 100 triệu đồng/sào), thu nhập bình quân 370 triệu đồng/hộ/năm, tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Nông dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm chăm sóc hoa giấy.

Để ngành kinh tế sinh thái Thủ đô bứt phá

Bên cạnh huyện Mê Linh, xã Phù Đổng huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội hiện có hơn 6.500ha hoa, cây cảnh các loại, trong đó có 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung, quy mô 20ha/vùng với đủ các loại từ hoa cắt cành, hoa cây cảnh trong chậu, cây thế... Loại hình này phát triển mạnh ở các quận, huyện khác như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín...

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, so với các địa phương khác, thú chơi hoa cảnh, cây cảnh xưa và nay đã thấm sâu vào đời sống của người dân Hà Nội nên nhu cầu tiêu dùng hoa, cây cảnh cũng tăng lên nhanh chóng kéo theo diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội cũng tăng mạnh từ 5.484ha (năm 2015) lên 7.960ha (năm 2020).

Đến nay, Hà Nội đã công nhận 11 làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh như: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo; Làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên; Làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn huyện Thường Tín; Làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi; Làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu về sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh thì vẫn còn có nhiều khó khăn bất cập nên chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của Thủ đô như đầu tư cho hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao thường là lớn xong việc tiếp cận chính sách vay vốn còn gặp nhiều khó khăn.

Thắp đèn xuyên đêm cho hoa phát triển.

Bên cạnh đó, thị trường cây cảnh thời điểm này chưa sôi động lắm nhưng thị trường hoa lan biến đổi gen hiện rất sôi động song vẫn còn có nhiều cách nhìn trái chiều từ các nhà quản lý, khoa học và các đơn vị truyền thông. Việc thổi giá, lừa đảo thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội làm mất định hướng, niềm tin của người tiêu dùng và lao đao cho các nhà vườn sản xuất kinh doanh chân chính…

Ngoài ra, việc hỗ trợ cho các làng nghề hoa, cây cảnh cũng chỉ mới tập trung vào công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. Công tác quy hoạch vùng sản xuất cây xanh, cây công trình và hoa, cây cảnh để thành một ngành kinh tế sinh thái còn nhiều địa phương chưa quan tâm và chú trọng.

Để phát triển hoa, cây cảnh nói chung cũng như đạt được mục tiêu của chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội nói riêng, theo ông Nguyễn Văn Chí, trong thời gian tới cần sự phối hợp của các sở, ngành và UBND cấp huyện làm tốt công tác quy hoạch, bố trí nguồn lực để phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh là mũi nhọn và chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế, cải tạo môi trường nhằm thiết thực phục vụ chương trình nông thôn mới và phát triển đô thị.

Các Hội, Hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cung cấp để định giá hoa, cây cảnh, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý và giám sát.

Các Hội, Chi hội và nghệ nhân tham vấn cho đơn vị quản lý nhà nước của địa phương trong chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh; tham mưu bộ tài tiệu đào tạo nghề cho lao động và khuyến khích các nghệ nhân, nhà quản lý tốt để đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động.

Để phát triển kinh tế nông thôn bên cạnh phát triển các loại cây trồng vật nuôi, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 390 ngày 17/01/2019 về danh mục sản phẩm nông nghiệp được cấp thành phố, các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của thành phố Hà Nội, trong đó xác định rõ hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực của thành phố.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư