Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội phát triển hai tuyến du lịch ngoại thành mới hấp dẫn
Hồng Hạnh - 27/12/2023 16:19
 
Trong hai ngày 26, 27/12, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức khảo sát xây dựng hai tuyến du lịch mới “Khám phá Con đường di sản Nam Thăng Long”, tập trung khai thác thế mạnh di sản văn hóa, làng nghề ở các địa phương khu vực ngoại thành.

Tuyến du lịch mới hấp dẫn, giàu tiềm năng

Theo đó, hai tuyến du lịch gồm: Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức.

Ngày 27/12, Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị lữ hành khảo sát tuyến du lịch: Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Trong đó, đoàn khảo sát tập trung vào các điểm di sản và làng nghề, đó là: Đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (huyện Mỹ Đức).

Đoàn dâng hương tại Đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai)

Ở tuyến này, du khách sẽ được tìm hiểu kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân; làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu hiện đang là điểm đến thu hút đông du khách trong và ngoài nước; làng nghề tơ tằm, tơ sen Mỹ Đức. Đây là hai tuyến du lịch có nhiều lợi thế về cảnh quan sinh thái, di sản, làng nghề, làng cổ.

Sau chương trình khải sát buổi sáng, chiều 27/12, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Tọa đàm Nâng cao chất lượng dịch vụ và định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản – di tích, làng nghề theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa - Mỹ Đức. 

Ông Phan Huy Cường, Trưởng Phòng Quy hoạch, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, việc khảo sát, xây dựng hai tuyến du lịch này sẽ là cơ sở, tiền đề để từ đây các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục hình thành thêm nhiều tour, tuyến du lịch khác kết nối các địa phương và các điểm du lịch để xây dựng sản phẩm mới, tăng trải nghiệm cho du khách. Hai tuyến du lịch mới được kỳ vọng sẽ mang đến “làn gió mới” cho hoạt động du lịch Thủ đô trong năm 2024.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa, Thường Tín kết nối dựa trên trục giao thông quốc lộ 21B, với 3 điểm chủ đạo là Đình Nội Bình Đà (Thanh Oai), làng Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) và xưởng dệt lụa tơ tằm Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức). Việc kết nối tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch liên kết các địa phương với nhau, tạo thêm sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ở từng địa phương.

Khảo sát du lịch tại làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa)

“Đây là tuyến du lịch rất nhiều tiềm năng để các đơn vị lữ hành khai thác cho cả dòng khách nội địa và quốc tế muốn tìm hiểu văn hóa, làng nghề Hà Nội. Tuyến này không chỉ giúp nâng cao hình ảnh du lịch cả 3 địa phương mà còn là cơ sở để các địa phương đề xuất, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương; kích thích phát triển các dịch vụ, thúc đẩy phát triển hạ tầng chung của địa phương. 

Bên cạnh đó, phát triển du lịch liên tuyến còn thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của các địa phương, giúp cho việc phân phối khách ở điểm đông khách sang các điểm có ít du khách”, ông Thắng phân tích.

Tuy nhiên, ông Phùng Quang Thắng nhận định, mặc dù lợi ích của việc xây dựng tuyến du lịch rất lớn, nhưng các điểm du lịch còn rời rạc, chưa liên kết với nhau, chưa tạo được mạng lưới mang tính hệ thống du lịch. Giao thông kết nối các điểm tham quan với nhau chưa thực sự thuận lợi. 

Tìm hiểu quy trình sản xuất lụa tơ sen tại xưởng sản xuất của nhà Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận, làng nghề dệt tơ lụa Phùng Xá (huyện Mỹ Đức)

Những điểm đến hấp dẫn

Tại Tọa đàm, chia sẻ tiềm năng, thế mạnh của du lịch huyện Ứng Hòa, đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ứng Hòa cho biết, địa phương có nhiều di tích xếp hạng cấp Quốc gia có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa nổi bật như: Đình Hoàng Xá – thị trấn Vân Đình (xếp hạng di tích Quốc gia  năm 1962); chùa Trần Đăng - xã Hoa Sơn (xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1988), Đền Hữu Vĩnh - xã Hồng Quang (xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1991); An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ năm 1942 (chùa Chòong thôn Trầm Lộng, xã Trầm Lộng; Quê hương “chiếc gậy Trường Sơn” xã Hòa Xá… 

Cùng với đó là nhiều làng nghề giá trị văn hóa, có giá trị kinh tế tạo tiền đề để phát triển du lịch như: Nghề làm đàn Đào Xá, xã Đông Lỗ được hình thành cách đây hơn 200 năm với các chế tác nhạc cụ cổ truyền của dân tộc, Nghề may áo dài Trạch Xá, xã Hoà Lâm; Làng nghề tăm hương xã Quảng Phú Cầu với tạo hình những bó tăm hương rực rỡ sắc mầu và quy trình sản xuất tăm, hương đã và đang thu hút được rất nhiều du khách nước ngoài đến với địa điểm thăm quan. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn rất nhiều làng nghề truyền thống như nghề mây, tre đan xuất khẩu xã Trường Thịnh; Làng Sen, nuôi trồng thủy sản xã Phương Tú, làng trồng rau, hoa quả sạch xã Sơn Công, Đồng Tiến, phố ẩm thực và vui chơi thị trấn Vân Đình, làm giầy da xã Minh Đức… Hiện nay làng nghề may áo dài Trạch Xá đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tọa đàm Nâng cao chất lượng dịch vụ và định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. 

Số lượng khách khách du lịch nội địa đến với huyện Ứng Hòa năm 2023 đạt trên 26.000 lượt khách (chủ yếu là khách du lịch đến Đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang). Số lượng khách du lịch quốc tế đến với huyện Ứng Hòa năm 2023 ước đạt trên 9.000 lượt khách (chủ yếu là khách du lịch đến làng nghề tăm hương xã Quảng Phú Cầu).

Tại Tọa đàm, lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mỹ Đức cho biết, địa phương có Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương) có cảnh “Kỳ sơn tú thuỷ”, núi chùa Hương có vẻ đẹp kỳ thú, chùa Hương đã trở thành một Sơn môn lớn quy tụ một hệ thống các đền, chùa, hang động; suối Yến Hương Sơn không sâu nhưng quanh co uốn lượn bồng bềnh. 

Cùng với đó, khu du lịch Quan Sơn gồm các xã Hợp Tiến, Hồng Sơn với diện tích 1.730 ha trong đó có trên 500 ha mặt hồ, với lợi thế núi đá, hang động, mặt hồ và thung lũng… đã được Thành phố cho phép lập Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái với nhiều sản phẩm như: sân golf 36 lỗ, lướt ván, ẩm thực, leo núi, du thuyền.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Tuy Lai quy mô 1.120ha ở khu vực này vừa có núi đồi và hệ thống hồ nước, có nhiều loại dược liệu quý hiếm, khí hậu trong lành phù hợp với mô hình nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp nông thôn.

Trung tâm Festival Hoa sen tại xã An Phú quy mô 237 ha, là xã có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, giao thông thuận tiện có đường Hồ Chí Minh đi qua, diện tích ao hồ phù hợp với việc ươm trồng sen, tổ chức lễ hội hoa sen và thưởng thức các sản phẩm từ sen như: trà sen, hạt sen, tâm sen, ngó sen, củ sen và lá sen...

Du lịch làng nghề, di sản văn hóa trên địa bàn huyện Mỹ Đức có dệt Phùng Xá (đặc biệt là cơ sở sản xuất lụa tơ tằm, tơ sen của Nghệ nhân Phan Thị Thuận), thêu ren ở Thượng Lâm; nghệ thuật múa rối cạn Tế Tiêu; Cồng chiên An phú… 

Đặc biệt, Mỹ Đức có trên 126 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt (gồm 20 điểm di tích), 16 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 90 di tích xếp hạng cấp Thành phố, huyện có trên 60 lễ hội truyền thống trong đó quy mô lớn và kéo dài nhất cả nước là Lễ Hội Chùa Hương...

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm.

UBND Mỹ Đức đã triển khai thí điểm xe điện 4 bánh vận chuyển khách tại lễ hội Chùa Hương, chuyển đổi hình thức bán vé truyền thống sang vé điện tử, quan tâm phát triển một số sản phẩn du lịch sinh thái, trải nghiệm Hồ Quan Sơn, Hồ Tuy Lai và du lịch nông nghiệp nông thôn, tham quan chụp ảnh sen An Phú… để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Năm 2023, huyện Mỹ Đức đón 1,2 triệu lượt du khách, trong đó có trên 11.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 900 tỷ đồng/năm, trừ các năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. 

Sau 2 ngày đi khảo sát, ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Mai Việt Travel cho rằng 3 điểm đoàn khảo sát ngày 27/12 đã thành sản phẩm du lịch có thể khai thác ngay. Với đình Nội Bình Đà (Thanh Oai) có bức phù điêu hơn 600 năm tuổi là báu vật quốc gia, cộng thêm chợ quê làng Bình Đà rất thú vị để khách vừa tìm hiểu văn hóa tâm linh vừa trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. 

Tiếp đến, theo ông Tráng, làng Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) rất độc đáo, tuyệt vời. Khách Ấn Độ rất thích, sau đó lan toả ra các thị trường khách khác. “Hiện chúng tôi có những đoàn du khách Pháp sắp đến Hà Nội, chúng tôi sẽ đưa đến làng Quảng Phú Cầu, vì ở đây khách được xem nhiều công đoạn làm tăm hương rất hấp dẫn. Bản thân sản phẩm tăm hương đã có câu chuyện đặc biệt gắn với văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, ở đây có nhiều món ăn hấp dẫn như bánh đúc, bánh khúc mặn, cháo gõ. Tuy nhiên, cần làm gọn gàng đường làng ngõ xóm cho sạch sẽ, đầu tư nhà hàng, cơ sở phục vụ khách ăn uống”, ông Tráng chia sẻ và cho biết đặc biệt thích nghề dệt Phùng Xá, đặc biệt là câu chuyện của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận rất hay, hấp dẫn, độc đáo. 

Cũng tại Tọa đàm, bà Trần Huyền Thanh, Giám đốc Công ty Du lịch Sen Rừng cho rằng, điểm Đình Nội Bình Đà khó đưa vào tour cho khách châu Âu. Điểm làng Quảng Phú Cầu thích hợp với khách châu Á hơn vì là điểm check-in rất đẹp, nhưng cảnh quan làng lại không đặc trưng, ít cây xanh, nhiều bụi, phí tham quan 50.000 đồng/ khách là khá cao so với mặt bằng chung. Nếu muốn đón du khách châu Âu, bà Thanh cho rằng cần có câu chuyện về nghề tăm hương và có không gian cho du khách được trải nghiệm một công đoạn nào đó. Bên cạnh đó, các món ăn đặc sản địa phương rất hấp dẫn nhưng cần chuẩn hóa cách phục vụ. 

Với làng dệt lụa Phùng Xá (Ứng Hòa), bà Thanh cho rằng, cảnh quan làng cũng chưa đủ đẹp, thiếu cây xanh, không gian mặt nước… nhưng có nhiều cơ sở sản xuất từ đầu làng đến cuối làng, là nơi du khách muốn đến. Điểm nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận tuyệt vời, nhưng chỗ bán hàng, cách bán hàng, cách giới thiệu sản phẩm và trưng bày hàng cần cải thiện thêm. Mặt khác, các nhà sản xuất bông, khăn mặt cũng hấp dẫn, do đó cần mở rộng không gian phục vụ khách du lịch ra các hộ gia đình sản xuất khác trong làng. Đồng thời, cần quy trình hóa, tiêu chuẩn hóa quy trình đón và phục vụ du khách để tạo lợi nhuận cho người sản xuất.

Để phát triển các tuyến du lịch ngoại thành kết nối nhiều huyện với nhau hấp dẫn, các doanh nghiệp cho rằng, du lịch cần gắn chặt với các hoạt động thương mại để tạo lợi nhuận cho du khách. Bên cạnh đó cần có giải pháp bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sạch sẽ, ngăn nắp, hạn chế rác thải nhựa. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa các bài thuyết minh và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm…

Trước đó, ngày 26/12, đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành đã tham quan, tìm hiểu đánh giá tiềm năng của tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên sẽ gồm nhiều điểm đến, trong đó điểm nhấn là làng Ngâu (huyện Thanh Trì), làng Phúc Am (huyện Thường Tín) và làng Cựu (huyện Phú Xuyên).
Làng Ngâu nổi tiếng với nghề nấu rượu, đình chùa Ngâu có kiến trúc đẹp. Ngoài thưởng lãm cảnh quan, di tích, khách còn được đến thăm các gia đình nấu rượu, đặc sản OCOP 4 sao rượu hoa cúc.
Làng Phúc Am là làng nghề mã nổi tiếng. Còn làng Cựu là làng cổ danh tiếng với hàng chục ngôi nhà cổ với kiến trúc châu Âu giữa làng quê mộc mạc, thanh bình.
Sau khi khảo sát các tuyến điểm, các đơn vị lữ hành đã đánh giá tiềm năng du lịch, các cách khắc phục hạn chế còn tồn tại như giao thông, dịch vụ, hạ tầng tại các địa phương để tiến tới việc tạo thêm dòng sản phẩm hấp dẫn cho du khách.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư