Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội sẽ trồng bù 1.100 cây bóng mát sau khi chặt gần 500 cây trên đường Láng
Thu Trang - 09/01/2019 08:37
 
Thành phố Hà Nội đã có phương án trồng bù 1.100 cây bóng mát sau khi đánh chuyển, chặt hạ 476 cây xanh dọc đường Láng để phục vụ việc mở rộng và thi công công trình đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở.
1
Tổng kinh phí đầu tư cho việc mở rộng đường là hơn 64 tỷ đồng

Chiều 8/1, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở GTVT Hà Nội đã thông tin về việc chặt hạ, đánh chuyển 476 cây xanh liên quan tới dự án xén hè mở rộng đường Láng, đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, quận Đống Đa.

Tại Hội nghị, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án xén mở rộng đường Láng đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) có tổng chiều dài tuyến khoảng 4 km, điểm đầu tuyến là Cầu Giấy, điểm cuối tuyến là Ngã Tư Sở. Trên cơ sở mặt đường hiện trạng, Thành phố sẽ xén hè bên phải tuyến từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở để mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5m; xây mới vỉa hè rộng 1,5m tiếp giáp phần xe chạy.

Tổng kinh phí đầu tư là hơn 64 tỷ đồng. Dự kiến các hạng mục cơ bản sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Để thực hiện dự án này, Hà Nội sẽ chặt, di chuyển cây xanh trong phạm vi công trình đã được Sở Xây dựng thẩm định, thống nhất báo cáo với UBND Thành phố phương án thực hiện. Cụ thể, với tổng số 476 cây xanh các loại trong phạm vi chiếm dụng của công trình, Sở GTVT sẽ dịch chuyển 371 cây, chặt hạ 105 cây (cây chặt hạ là những cây sâu, rỗng thân, nghiêng, cong, phát triển không bình thường hoặc cây đã chết).

Nói về phương án với những cây sau dịch chuyển, ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết, các cây bóng mát thuộc phạm vi thi công dự án dự kiến được chuyển về trồng cố định và chăm sóc tại ô đất thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Sau khi hoàn thành việc mở rộng đường, Hà Nội sẽ trồng bổ sung 1.100 cây bóng mát gồm phượng tím, cọ dầu, ban, chuông vàng, kèn hồng, muồng lá lạc... Với tầng cây bụi, Hà Nội sẽ trồng trên 2.500 cây gồm: Đại sứ, tường vi, ngọc bút, dâm bụt, hoa giấy... Tầng thảm cỏ, cây lá màu sẽ dùng các loại cây như dương xỉ, ngọc trai, muống nhật, lan dẻ quạt trên diện tích 17.000 m2.

Cũng tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, tại dự án này, Sở đã thành lập tổ công tác liên ngành đánh giá từng cây xanh trong phạm vi chiếm dụng của công trình để xây dựng tiêu chí di dời hay chặt hạ.

Theo ông Thắng, thời gian qua, thành phố  đã triển khai nhiều dự án lớn, hạn chế chặt hạ cây xanh, tập trung vào di dời cây về 3 vị trí, là các nút giao lớn. Tỉ lệ cây sống khoảng 80-85%, tạo cảnh quan tốt cho các khu vực này.

Về phương án chỉnh trang cây xanh, thảm cỏ tại khu vực giáp sông Tô Lịch, thành phố  đặt yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, tạo điểm nhấn cho khu vực ven sông với mô hình theo nhiều lớp, nhiều mảng.

Trong quá trình thực hiện triển khai dự án, sẽ di dời, bảo vệ các công trình ngầm nổi có trên đoạn tuyến nhằm bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, các đơn vị sẽ di dời 3 công trình gây ùn tắc giao thông trong phạm vi xén mở rộng mặt đường…


Hà Nội đề xuất mở rộng đường Âu Cơ lên 4 làn xe
UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo gửi Chính phủ, đề xuất cần phải gấp rút đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường Âu Cơ để phục vu Hội nghị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư