Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Hà Nội tập trung khắc phục nhanh hậu quả do bão lũ
Hồng Minh - 14/09/2024 09:57
 
Đối với công tác khắc phục hậu quả do bão số 3, lãnh đạo TP. Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan tập trung khắc phục nhanh, bảo đảm an toàn, đặc biệt chú trọng “cứu” những cây xanh có giá trị, cây có thể trồng lại...

Chú trọng “cứu” những cây xanh có giá trị, cây có thể trồng lại

Kiểm tra công tác ứng phó lũ lụt, khắc phục hậu quả thiên tai tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn biểu dương, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quận Hai Bà Trưng trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 3, không để xảy ra thiệt mạng về người. 

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn kiểm tra công tác ứng phó lũ lụt, khắc phục hậu quả thiên tai tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Tính đến ngày 13/9, quận Hai Bà Trưng đã xử lý xong việc cắt cành, hạ tán, xếp gọn lên hè 769 cây đổ, nghiêng, cành cây gãy (trong đó có 26 vị trí nguy hiểm cây nghiêng đổ vào nhà dân). Trong đó có 6 cây quý hiếm, có giá trị lịch sử được cắt tỉa, hạ tán, xây dựng phương án ươm trồng lại tại chỗ.

Trong những ngày nước sông Hồng dâng cao, khu vực sát mép nước có 11 bến trung chuyển hàng hóa, 1 kho chứa thùng dầu, 1 cây xăng, UBND phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng đã vận động tuyên truyền yêu cầu người dân ký cam kết di chuyển đến nơi an toàn.

Quận đã tổ chức đánh giá hiện trạng các công trình xây dựng, nhà ở tại khu vực bờ vở sông trước khi để người dân trở về nơi ở cũ ổn định cuộc sống. Ngay trong sáng 13/9, UBND quận chỉ đạo các lực lượng rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng các khu dân cư bị ngập do nước sông Hồng ở phường Bạch Đằng để người dân trở về nơi ở cũ. 

Đồng thời, quận Hai Bà Trưng yêu cầu các lực lượng công an, quân đội, y tế cũng như các phường ra quân tổng vệ sinh môi trường, phòng dịch, tiêu độc khử trùng các khu vực bị ảnh hưởng do bão số 3 cũng như ngập lụt do nước sông Hồng…; Quận cũng đang nỗ lực đẩy nhanh việc thu dọn cây xanh bị gãy đổ theo tiến độ của TP. Hà Nội ngày 20/9 phải xong. Trên cơ sở đó, quận đang rà soát và phân loại các cây bị gãy đổ do mưa bão để có phương án cụ thể.

Trước thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị quận tập trung xử lý các cây xanh bị gãy đổ trên địa bàn để bảo đảm an toàn giao thông, trong đó chú trọng “cứu” những cây có giá trị, cây có thể trồng lại.

Ông Dương Đức Tuấn cũng đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị liên quan hỗ trợ lực lượng để quận hoàn thành việc xử lý cây xanh gãy đổ trước ngày 17/9. Đồng thời, quận phải xử lý kịp thời, cuốn chiếu việc khắc phục hậu quả do nước lũ sông Hồng trên địa bàn 2 phường Bạch Đằng và Thanh Lương. Trong đó, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường cho người dân sau khi trở về nơi ở của mình sau lũ.

Đảm bảo công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác

Cũng liên quan đến công tác khắc phục hậu quả do bão số 3, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký ban hành Văn bản số 3033/UBND-TNMT về việc xử lý, khắc phục và đảm bảo công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn TP và vận hành các Khu xử lý chất thải tập trung của TP. Hà Nội sau cơn bão số 3.

Theo đó, để xử lý, khắc phục và đảm bảo công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn TP. Hà Nội và vận hành các Khu xử lý chất thải tập trung của TP. Hà Nội sau cơn bão số 3; tiếp theo chỉ đạo tại Thông báo số 418/TB-VP ngày 10/9/2024 và Văn bản số 11150/VP-TN MT ngày 13/9/2024, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác duy trì vệ sinh môi trường (VSMT).

Chỉ đạo đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn tập trung nhân lực, phương tiện thu dọn, vận chuyển rác trên địa bàn về Khu xử lý tập trung của TP. Hà Nội; có phương án khử khuẩn, che phủ, đảm bảo vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn, vệ sinh trong vận hành các xe thu gom, vận chuyển rác; phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường trong tiếp nhận chất thải sinh hoạt về các khu tập trung của Thành phố đảm bảo thông suốt, an toàn.

Đối với các địa bàn quận, huyện có tồn đọng rác chưa kịp vận chuyển tới khu xử lý tập trung của TP. Hà Nội, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo đơn vị thu gom, vận chuyển vào điểm tập kết tạm thời; có giải pháp che chắn nước mưa và phát sinh nước rác, thường xuyên phun chế phẩm khử mùi, diệt ruồi, muỗi đảm bảo vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường. Đối với khu vực thấp trũng có nguy cơ úng ngập, ngập lụt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh phát sinh dịch từ ô nhiễm chất thải, nước thải.

Đối với các khu vực còn ngập, lụt, UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương huy động lực lượng, đơn vị duy trì thu gom rác thải, có biện pháp khử khuẩn kịp thời và khẩn trương có phương án vận chuyển rác tồn đọng về Khu xử lý chất thải tập trung của Thành phố ngay khi nước rút, để đảm bảo ổn định đời sống dân sinh. Tăng cường tuyên truyền công tác vệ sinh môi trường đến nhân dân; Phát động các tổ chức, đoàn kết tổng vệ sinh môi trường khu vực sau mưa lũ. Yêu cầu các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường tập trung tăng cường nhân lực, phương tiện thu dọn, vận chuyển rác phát sinh trên địa bàn về Khu xử lý tập trung của TP. Hà Nội. Quản lý các vị trí tập kết rác thải đảm bảo không làm phát sinh ô nhiễm, đặc biệt là nước rác phát sinh.

Bên cạnh đó, bố trí đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện vật chất liên quan, để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ theo quy định. Riêng UBND các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị vận hành tại Khu xử lý tập trung trên địa bàn, đảm bảo việc vận hành an toàn, ổn định và không để xảy ra các sự cố môi trường. 

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội về xử lý, khắc phục sau bão; chỉ đạo các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn tập trung lực lượng, phương tiện tham gia, phối hợp thu dọn cành, lá cây, vệ sinh môi trường đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn, thuận lợi về giao thông và mỹ quan đô thị.

Chỉ đạo các đơn vị vận hành khu xử lý 24/24h, có phương án điều phối hợp lý rác vào Nhà máy và rác chôn lấp để đảm bảo tiếp nhận kịp thời và hết rác từ các địa bàn chuyển đến. Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm kỹ thuật tài nguyên và môi trường  và đơn vị vận hành các khu xử lý tăng cường nhân lực, vật lực, máy móc vận hành các khu xử lý; kiểm tra, đôn đốc, ứng trực thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn khu xử lý; phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, UBND huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây để triển khai ứng phó theo kế hoạch, đảm bảo an toàn, ổn định vận hành.

Cùng với đó, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị quản lý vận hành các khu xử lý tiếp tục thực hiện hàn vá vải, phủ bạt HDPE, vải dứa các diện tích bị hở do gió tốc tại các khu xử lý; Tăng cường xử lý nước rỉ rác đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước rỉ rác tại Nam Sơn và Xuân Sơn; Tiếp tục dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực bãi, điều phối hợp lý giữa chôn lấp và đốt rác đảm bảo xử lý hết khối lượng rác tồn trên địa bàn TP. Hà Nội.

Thường xuyên nắm bắt, theo dõi diễn biến của thời tiết để chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành các khu xử lý tập trung phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có phương án phòng chống, ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư