Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Hồng Minh - 03/07/2024 07:04
 
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2024 của TP. Hà Nội.

Ngày 2/7, tại Kỳ họp thứ 17, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024.

HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024.

Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội quyết nghị tán thành đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và thông qua nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. 

Theo HĐND TP. Hà Nội, 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, HĐND TP. Hà Nội nhấn mạnh 11 nhiệm vụ, giải pháp gồm: bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường;

Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Duy trì tốt công tác đối ngoại; tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với nhà trọ và các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, dân vận tạo đồng thuận xã hội;

Chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVIII nhiệm kỳ 2025-2030; công tác xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Kế hoạch tài chính, ngân sách năm 2025 và 3 năm 2025-2027, Kế hoạch tài chính 5 năm 2026-2030; Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và rà soát, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đảm bảo chất lượng.

Nghị quyết cũng tán thành những nhiệm vụ, giải pháp điều hành ngân sách những tháng cuối năm 2024 do UBND TP. Hà Nội trình và nhấn mạnh giải pháp tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý hộ kinh doanh; tập trung rà soát thu, đôn đốc các hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào ngân sách...

Cho phép quận Hoàng Mai, huyện Gia Lâm sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư xây dựng cơ bản.

HĐND TP. Hà Nội cũng tán thành với đề xuất của UBND TP. Hà Nội về các nội dung sau: cho phép các quận, huyện Hoàng Mai, Gia Lâm được sử dụng 2.100 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách quận, huyện để chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024 theo quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội, cụ thể, quận Hoàng Mai là 1.600 tỷ đồng; huyện Gia Lâm là 500 tỷ đồng.

HĐND TP. Hà Nội thống nhất điều chỉnh một số khoản dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp TP năm 2024 tại Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND TP. Hà Nội về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP. Hà Nội năm 2024.

Thống nhất phương án phân bổ dự toán kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (vốn sự nghiệp) và kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ (nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP) năm 2024.

Thống nhất với đề xuất của UBND TP. Hà Nội cho phép Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện chi trả thù lao tư vấn kĩ thuật theo thỏa thuận cho chuyên gia tư vấn quốc tế của UNESCO (thông qua hợp đồng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật với Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), chi trả thù lao theo thỏa thuận cho chuyên gia độc lập tư vấn xây dựng hồ sơ tầm nhìn cho trục chính tâm khu di sản Hoàng Thành Thăng Long (dự kiến thực hiện vào tháng 11/2024).

Thống nhất với đề xuất giao UBND TP. Hà Nội quyết định việc hỗ trợ theo thực tế và triển khai thực hiện đối với các nội dung hỗ trợ: hỗ trợ học viên tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ của Thủ đô Viêng - Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào năm 2024; hỗ trợ cán bộ, giáo viên dạy nghề Thủ đô Viêng - Chăn, nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2024-2025...

Thống nhất nguyên tắc và cơ chế cho phép: Sở Xây dựng thanh toán toàn bộ kinh phí cấp điện hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn các quận, bao gồm cả các trạm đèn chung lưới đường phố - ngõ ngách và trạm đèn ngõ xóm độc lập trong 2 năm 2023 và 2024.

Đối với nguồn kinh phí cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách đã bố trí trong cân đối ngân sách các quận năm 2023 và 2024: Cho phép để lại nguồn kinh phí ngân sách cấp TP đã bố trí trong dự toán năm 2023, 2024 cho các quận để bổ sung nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống chiếu sáng ngõ, ngách theo phân cấp.

Thống nhất điều chỉnh số liệu tổng quyết toán ngân sách TP. Hà Nội năm 2022 đã được HĐND TP. Hà Nội phê chuẩn tại Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 8/12/2023. 

HĐND Thành phố thống nhất về sự cần thiết xây dựng và triển khai Đề án phát triển giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP. Hà Nội; đồng thời đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống định mức, đơn giá, các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển của thế giới, tránh thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến: Quy định về điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiên vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Hệ thống chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn định mức liên quan đến sản xuất, nhập khẩu quản lý, vận hành khai thác phương tiện giao thông hiệu suất cao, sử dụng điện, năng lượng xanh...

HĐND TP. Hà Nội thống nhất với đề xuất của UBND TP. Hà Nội về mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với một số trường hợp sử dụng đất được pháp luật quy định trên địa bàn TP. 

Thống nhất với đề xuất của UBND TP. Hà Nội về số lượng xe ô tô bán tải và xe ô tô từ 12 đến 16 chỗ ngồi phục vụ công tác chung cho các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội được giao thực hiện nhiệm vụ đặc thù theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ. 

Căn cứ tiêu chuẩn, định mức được ban hành, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm sắp xếp lại, xử lý xe ô tô và tổ chức thực hiện mua sắm theo quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư