Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 20 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội thông qua Đề án giao thông thông minh
Linh Nguyễn - 20/11/2024 11:04
 
Nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội bước đầu đã xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông vận tải theo quy hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông.

Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội vừa nhất trí thông qua Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Đề án này nhằm giải quyết những thách thức hiện tại như ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường… hướng tới xây dựng một hạ tầng giao thông hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2045.  

Theo ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dân số Thủ đô dự kiến đạt 12 triệu người vào năm 2030 với diện tích đất xây dựng đô thị là 90.000 ha, và con số này sẽ tăng lên 14,6 triệu người cùng 120.000 ha vào năm 2045.

Tuy nhiên, hiện trạng giao thông của Thành phố đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Hệ thống giao thông vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân, trong khi tình trạng ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng, an toàn giao thông chưa được đảm bảo và ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng.

Bên trong Trung tâm điều hành giao thông thông minh của Thành phố Hà Nội.

Để giải quyết những vấn đề cấp bách trên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và điều hành giao thông được xác định là một giải pháp trọng tâm. Đề án “Giao thông thông minh” đặt mục tiêu hình thành một hệ thống giao thông hiện đại, tích hợp các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành. 

Theo kế hoạch, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của thành phố sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2025. Đây sẽ là hạt nhân của hệ thống giao thông thông minh, đảm nhiệm vai trò điều phối toàn bộ mạng lưới giao thông trong thành phố một cách linh hoạt, hiệu quả.  

Các ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông sẽ được triển khai với yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đồng thời huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông thông minh. Hệ thống này sẽ gắn kết giữa hạ tầng hiện hữu và các công trình hạ tầng mới, tận dụng tối đa các công nghệ tiên tiến nhất, mang lại sự thuận tiện trong quản lý, khai thác và vận hành, giúp giảm tải cho các tuyến đường chính góp phần cải thiện chất lượng không khí, nâng cao trải nghiệm di chuyển cho người dân.  

Cùng với đó, thu thập thông tin các nguồn dữ liệu về hệ thống giao thông Thành phố; chia sẻ thông tin cho các cơ quan, tổ chức; xử lý, phân tích dữ liệu; bảo mật thông tin; giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông...

Về định hướng phát triển theo các giai đoạn, Thành phố đề xuất lộ trình phát triển theo 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2025 - 2027, giai đoạn 2 từ năm 2028 - 2030, giai đoạn 3 sau năm 2030. Với mỗi giai đoạn đều đưa ra các phương án về nguồn vốn. Các giai đoạn tiếp theo khi hệ thống đã quen thuộc, công nghệ đã ổn định đề xuất phương án kết hợp đầu tư hạ tầng phần cứng kết hợp thuê hệ thống phần mềm và dịch vụ bảo hành, bảo trì hệ thống.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Đường càng to, ý thức không cao, tai nạn càng thảm khốc”
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hồi âm băn khoăn của đại biểu và cử tri về một số vấn đề trong lĩnh vực giao thông tại phiên thảo luận tổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư