
-
Tháng 4, đến Thái Nguyên trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc
-
Phú Yên lần đầu tiên có bảo vật quốc gia được công nhận
-
Nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới du lịch toàn cầu
-
Du lịch chuyển đổi để giữ chân du khách
-
Khám phá bức tranh du lịch đa sắc giữa vùng núi Ba Vì -
Quảng Ninh bàn giải pháp nâng tầm du lịch tại vịnh Bái Tử Long
Làm mới sản phẩm, hấp dẫn khách MICE đến Thái Nguyên
Chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thái Nguyên tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, sở hữu hơn 1.000 di tích, gần 300 làng nghề và trên 300 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Đây là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch tự nhiên, văn hóa và cộng đồng.
Thái Nguyên còn là “cái nôi cách mạng” với các di tích lịch sử nổi bật như An toàn khu Định Hóa, Đại đội 915... Bên cạnh du lịch về nguồn, tỉnh có thế mạnh du lịch sinh thái nhờ cảnh quan đa dạng: núi, rừng, sông, hồ, thác nước, đồi chè xanh trải dài – nổi bật là Hồ Núi Cốc, Hồ Ghềnh Chè, Tam Đảo, Tân Cương...
![]() |
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Là thủ phủ chè cả nước với diện tích 22.200 ha, sản lượng búp tươi 267.500 tấn/năm, tổng thu ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng, Thái Nguyên còn nổi tiếng với nghệ thuật thưởng trà - “Đệ nhất danh trà”. Nhiều cơ sở đã đầu tư không gian trải nghiệm chè, lưu trú, ẩm thực, góp phần thu hút du khách.
Hiện tỉnh có 12 điểm du lịch được công nhận, tiêu biểu là Khu bảo tồn làng nhà sàn Thái Hải - đạt danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới 2022” và “Làng du lịch cộng đồng ASEAN 2025”.
Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phát triển tuyến du lịch Hà Nội - Thái Nguyên gắn với quảng bá văn hóa trà. Các hoạt động bao gồm: trưng bày sản phẩm OCOP tại ga, trang trí đoàn tàu theo chủ đề trà, phát triển cảnh quan ven tuyến và hợp tác doanh nghiệp kích cầu du lịch.
Trong tháng 4 tới, Thái Nguyên sẽ tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2025 với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc”, hứa hẹn nhiều hoạt động hấp dẫn.
Tại Hội nghị, bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cầu nối văn hóa và động lực phát triển bền vững. Tỉnh đang tập trung vào ba trụ cột chính: phát triển hệ sinh thái sản phẩm du lịch kết hợp truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng dịch vụ lấy du khách làm trung tâm; và huy động tổng lực từ chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng để xây dựng thương hiệu “Du lịch Thái Nguyên”.
Định hướng mới của tỉnh là kết hợp yếu tố bản địa với công nghệ, truyền thông sáng tạo và chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch. Từ chỗ chỉ nổi tiếng với Hồ Núi Cốc, chè Tân Cương hay ATK, Thái Nguyên đang chuyển mình bằng những sản phẩm du lịch khác biệt và trải nghiệm sâu.
![]() |
Bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Nổi bật là tàu du lịch “Hành trình trải nghiệm văn hóa trà” đưa du khách khám phá bốn vùng chè danh tiếng: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Phú Lương. Văn hóa trà được nâng tầm thành nghệ thuật thưởng trà, gắn với ẩm thực và sức khỏe. Cùng với đó, Thái Nguyên phát triển tour bảo tàng về đêm, kết hợp ánh sáng, trình diễn nghệ thuật, và công bố 153 món ăn chế biến từ trà - khẳng định chè là nguyên liệu chủ đạo trong ẩm thực xanh, sạch, tốt cho sức khỏe.
Cũng theo bà Ngọc Anh, tỉnh Thái Nguyên đang khai thác thế mạnh về lịch sử công nghiệp với các tour chuyên đề về ngành gang thép, kết hợp thăm nhà máy và các khu công nghiệp như Yên Bình. Hạ tầng du lịch thể thao đang được đầu tư mạnh: sân vận động mới khánh thành, hai sân golf lớn sẽ ra mắt năm 2025, và khu nghỉ dưỡng 6 sao Flamingo khai trương năm 2026.
Ngoài ra, Thái Nguyên khôi phục văn hóa truyền thống, phát triển võ thuật cổ truyền như một sản phẩm du lịch mang tính giáo dục và bảo tồn di sản. Tỉnh cũng thúc đẩy du lịch bền vững với các chương trình phối hợp doanh nghiệp như May Plaza, tổ chức Gala Dinner trà, “Trà nương truyền thống”, tour bảo tàng đêm, trồng cây tại vùng trà.
“Năm 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách, gần gấp đôi năm trước. Để đạt mục tiêu, tỉnh mở rộng thị trường, hướng đến nhóm khách mới như học sinh, sinh viên, khách công tác, chuyên gia tại khu công nghiệp, và khách MICE. Các tour linh hoạt nửa ngày, 1 ngày, hoặc 2 ngày 1 đêm được thiết kế để kết hợp giữa công việc và trải nghiệm du lịch đặc trưng”, bà Ngọc Anh chia sẻ.
Với du khách quốc tế, Thái Nguyên kỳ vọng thu hút bằng các tour trải nghiệm văn hóa trà, ẩm thực trà, du lịch cộng đồng và khám phá thiên nhiên vùng trung du. Tỉnh cũng từng bước nâng cấp hạ tầng lưu trú, khách sạn, trung tâm hội nghị để phục vụ đoàn khách quy mô lớn, hướng đến xây dựng Thái Nguyên thành điểm đến đậm bản sắc, hấp dẫn và đáng nhớ trong lòng du khách.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Chính Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên trong kết nối Thủ đô với các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Với mong muốn khôi phục tuyến tàu khách này, Tổng công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Nguyên để không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là quảng bá văn hóa trà "đệ nhất danh trà" của Việt Nam.
Tuyến đường sắt thuận tiện mở ra tiềm năng phát triển các tour trải nghiệm độc đáo như tham quan đồi chè, thưởng trà đạo, tìm hiểu quy trình chế biến trà và khám phá không gian văn hóa bản địa. Từ ga Lưu Xá, du khách có thể dễ dàng đến các điểm nổi tiếng như Tân Cương, Hồ Núi Cốc, khu di tích ATK Định Hóa…
“Tổng công ty Đường sắt sẽ tổ chức các chuyến tàu chuyên biệt như “Tàu Trà đạo”, thiết kế toa xe mang đậm phong cách văn hóa trà; phối hợp doanh nghiệp du lịch xây dựng chính sách kích cầu, trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại nhà ga, đồng thời đẩy mạnh truyền thông quảng bá tuyến tàu và văn hóa trà Thái Nguyên trên các nền tảng số và báo chí”, ông Nam cho hay.
Hà Nội và Thái Nguyên tăng cường liên kết phát triển du lịch
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội (HUTC) cho biết, HUTC đã đồng hành cùng Thái Nguyên trong nhiều hoạt động xúc tiến du lịch. Gần đây nhất, từ tháng 6/2024, HUTC ký biên bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Thái Nguyên và đến tháng 2/2025, tại Hội nghị “Hương sắc xứ Trà”, CLB tiếp tục ký kết với Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, thể hiện cam kết đồng hành lâu dài và chuyên nghiệp.
![]() |
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Ông Dũng cho rằng, Thái Nguyên đang có rất nhiều sản phẩm du lịch tiềm năng, đặc biệt với vị trí gần Hà Nội, rất thuận lợi để trở thành điểm đến cho các chương trình tham quan ngắn ngày, phục vụ học sinh, sinh viên và các đối tượng khách nội địa. Về khách quốc tế, Thái Nguyên có lợi thế lớn khi là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn lớn như Samsung và nhiều doanh nghiệp vệ tinh. Nếu ngành du lịch có chính sách khai thác đúng, chỉ riêng dòng khách chuyên gia làm việc tại đây cũng đã là một nguồn khách quốc tế đáng kể. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự chuẩn bị về nhân lực, hướng dẫn viên, hạ tầng và dịch vụ an toàn.
Ngoài ra, để thu hút khách quốc tế và cao cấp, Phó chủ tịch HUTC lưu ý, Thái Nguyên cần nâng tầm sản phẩm trà từ “danh trà” thành “nghệ thuật thưởng trà” đẳng cấp, kết hợp với du lịch sinh thái, ẩm thực trà, trải nghiệm văn hóa bản địa, biến trà Thái Nguyên thành câu chuyện đặc sắc, mang tầm quốc tế.
Ông Dũng cũng đề xuất Thái Nguyên phát triển liên kết vùng với các tỉnh như Bắc Kạn, Lạng Sơn, hình thành tour đa điểm. Đồng thời, tổ chức các sự kiện thể thao, văn hóa quy mô lớn như giải marathon sẽ là cách hiệu quả để “kích hoạt” toàn bộ hệ sinh thái du lịch địa phương.
Về sản phẩm du lịch tàu hỏa, Phó chủ tịch HUTC đánh giá cao nỗ lực của ngành đường sắt nhưng cũng chia sẻ thẳng thắn rằng với cự ly ngắn Hà Nội - Thái Nguyên, để tổ chức được các chuyến tàu du lịch thường lệ là rất khó nếu không có sự hỗ trợ của tỉnh. Tour này chỉ có thể triển khai theo hình thức tàu charter, tức là cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch để gom khách đủ số lượng, phối hợp tổ chức và chia sẻ chi phí vận hành.
“CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội từng tổ chức hàng chục chuyến tàu charter đến Quảng Bình - một ví dụ thành công điển hình cho mô hình này. Nhưng để làm được, cần sự tham gia của các doanh nghiệp từ Thái Nguyên đến Hà Nội trong một liên minh bán tour. Khi đó, mỗi chuyến tàu có thể phục vụ 500 khách, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ”, ông Dũng gợi mở và bày tỏ hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt từ địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và ngành đường sắt, du lịch Thái Nguyên sẽ bứt phá và khẳng định vị thế xứng đáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ, Hà Nội và Thái Nguyên có mối liên kết trên nhiều phương diện; bao gồm sự gắn kết về quy hoạch trong vùng Thủ đô Hà Nội, kinh tế, giao thông và du lịch, cùng với mục tiêu chung là phát triển toàn diện của cả vùng.
Hệ thống giao thông kết nối (cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không) ngày càng được đầu tư phát triển, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, giúp rút ngắn thời gian di chuyển và tăng cường kết nối kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai địa phương. Đặc biệt sự liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch giữa Hà Nội và Thái Nguyên, với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung, hoạt động khảo sát trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, tăng cường quản lý đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi.
![]() |
Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Cũng theo ông Hiếu, trên bản đồ du lịch Việt Nam, Thái Nguyên đầy tiềm năng, nổi lên là điểm đến hấp dẫn, đang trên đà phát triển mạnh mẽ (tăng trưởng khách trên 30% năm 2024), có những sản phẩm du lịch độc đáo và dần khẳng định hơn nữa vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam, đặc biệt trong các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái và cộng đồng...
“Thái Nguyên như một "viên ngọc mới" trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ở miền Bắc; điểm đến tiêu biểu của du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái; của du lịch cộng đồng, đặc biệt là từ di sản văn hóa của người Tày, Nùng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc du lịch Việt Nam: Với các điểm đến nổi bật như Khu di tích ATK Định Hóa, vùng chè Tân Cương, Hồ Núi Cốc, được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư, nỗ lực vươn tầm quốc tế”, ông Hiếu nhận định.
Để sự liên kết này chặt chẽ và đem lại hiệu quả cao, ông Hiếu đề xuất 2 địa phương cần tiếp tục tập trung xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của các địa phương theo hướng tạo ra được các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn du khách. “Đơn cử, việc hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên và Tổng công ty đường sắt Việt Nam hôm nay để triển khai sản phẩm du lịch đường sắt ra mắt sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy liên kết tuyến mạnh mẽ, thực sự độc đáo, hấp dẫn từ Thủ đô tới xứ Trà”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Hiếu đề xuất hai địa phương phối hợp xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các phương tiện, các kênh truyền thông của các địa phương. Đồng thời, phối hợp tham gia các sự kiện du lịch, các hoạt động quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước; tích cực tham gia các sự kiện của nhau, hàng năm phối hợp tổ chức từ 1-2 chương trình, sự kiện du lịch chung.
Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh việc tăng cường trao đổi thông tin quản lý; đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, an toàn, thân thiện cho du khách giữa hai địa phương. Nhất là tiếp tục phối hợp tổ chức đoàn FAM cho các doanh nghiệp lữ hành khảo sát phát triển tour du lịch mới kết nối Hà Nội - Thái Nguyên.
“Ngành du lịch Thủ đô cam kết đồng hành và ủng hộ các hoạt động của ngành du lịch Thái Nguyên và có lời mời tham gia hàng loạt hoạt động đặc sắc trong năm 2025 của Du lịch Hà Nội như: Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2025 (tháng 4), Lễ hội Du lịch Hà Nội 2025 (tháng 5); Festival Thu Hà Nội 2025 (tháng 9); Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2025 (tháng 10).
Sự liên kết, phối hợp giữa Hà Nội với Thái Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển du lịch của hai địa phương. Du lịch Hà Nội cam kết không ngừng tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với tỉnh Thái Nguyên trong hoạt động phát triển du lịch, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội chung của các địa phương và cả nước”, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu bày tỏ.
-
Hà Nội và Thái Nguyên tăng cường liên kết phát triển du lịch -
Nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới du lịch toàn cầu -
Du lịch MICE - loại hình du lịch tiềm năng trong năm 2025 -
Du lịch chuyển đổi để giữ chân du khách -
Khám phá bức tranh du lịch đa sắc giữa vùng núi Ba Vì -
Quảng Ninh bàn giải pháp nâng tầm du lịch tại vịnh Bái Tử Long -
Bình Định đón gần 800 khách du lịch với chuyến tàu hỏa “0 đồng”
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 2/4
-
2 Thị trường ghi nhận thêm 77 lô trái phiếu có vấn đề, trị giá 5.540 tỷ đồng
-
3 [Ảnh] Thiên đường du lịch Hồ Tràm hoang vắng sau cơn sốt bất động sản
-
4 TP.HCM chuẩn bị thực hiện thêm 2 dự án TOD dọc tuyến metro số 2
-
5 Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cơ hội để Hải Phòng bứt phá
-
SeABank đón sinh nhật 31: Mưa quà tặng trị giá hơn 5 tỷ đồng tri ân khách hàng
-
Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam lần thứ 3: Chuyển đổi số - Phát triển xanh ngành logistics
-
Shop thương mại dịch vụ The Senique Hanoi - Tâm điểm kinh doanh giữa đại đô thị phía Đông sầm uất
-
Hé lộ nhà tư vấn chiến lược đằng sau nhiều thương vụ IPO thành công tại Mỹ
-
Đánh thức giác quan, chạm tới đỉnh cao sống sang tại Kepler Tower
-
Herbalife Việt Nam tham gia tài trợ Giải vô địch quốc gia marathon Tiền Phong năm thứ năm liên tiếp