Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hà Nội xử lý 211 vụ, 536 đối tượng vi phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
Hạnh Nguyên - 08/11/2022 11:32
 
Thành phố đã phát hiện, xử lý 211 vụ việc, 536 đối tượng có hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Đó là thông tin có trong Công văn số 3662/UBND-NC về tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn Thành phố, vừa được UBND Thành phố Hà Nội ban hành.

Công văn của UBND Thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, toàn Thành phố đã phát hiện, xử lý 211 vụ việc, 536 đối tượng có hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. 

Thời gian tới là thời điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo sẽ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn; 

Đặc biệt là các đối tượng lợi dụng không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông để hoạt động phạm tội, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố.

Do đó, UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Tích cực đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng để kiểm tra, phòng ngừa các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. 

Đồng thời, lấy hiệu quả công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo làm thước đo đánh giá, xếp loại hằng năm. 

Kiên quyết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu buông lỏng quản lý để xảy ra các vi phạm pháp luật nghiêm trọng về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo…

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; hậu quả, tác hại, những nguy hiểm và hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm.

Trong đó, tập trung tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm còn tồn đọng nhiều vũ khí, vật liệu nổ do chiến tranh để lại và địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp từng loại đối tượng được tuyên truyền.

Thường xuyên vận động toàn dân giao nộp và thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo còn trôi nổi ngoài xã hội, không để tội phạm sử dụng gây án và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo gây ra.

Song song với đó, nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí đối với người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo để khuyến khích, động viên người dân tích cực thực hiện.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân hiểu và chấp hành nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Thường xuyên phối hợp lực lượng công an trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về lĩnh vực này.

UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng địa bàn an toàn, phát hiện và tố giác các trường hợp sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; 

Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an tổ chức cho các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư