Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hạ tầng TP.HCM chuyển mình nhờ cơ chế đặc thù
Anh Quân - 01/05/2024 08:18
 
Sau hơn nửa năm thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm của Thành phố đã chuyển mình.
Phối cảnh cầu Cần Giờ
Phối cảnh cầu Cần Giờ

Thành quả ban đầu từ cơ chế đặc thù

“Nghị quyết 98 mang đến một làn gió mới, mở ra nhiều cơ chế, tạo sự đột phá mới, khơi thông điểm nghẽn hạ tầng của TP.HCM”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đánh giá về hiệu quả của Nghị quyết 98 sau hơn nửa năm triển khai.

Điều mà ông Phúc gọi là làn gió mới chính là việc vận dụng cơ chế đặc thù để giải phóng mặt bằng nhanh hơn tại các dự án hạ tầng giao thông đang xây dựng, như nút giao An Phú, đường Vành đai 3, mở rộng Quốc lộ 50…

Cụ thể, với Dự án đường Vành đai 3, nhờ áp dụng cơ chế đặc thù, nên việc giải phóng mặt bằng đã rút ngắn được 1 - 1,5 năm so với cách làm trước đây. Chính vì thế, chỉ sau một năm kể từ thời điểm dự án được duyệt chủ trương đầu tư, TP.HCM đã bàn giao được hơn 70% mặt bằng để tiến hành khởi công công trình.

Nói về cách làm mới trong giải phóng mặt bằng, ông Phúc cho biết, Dự án đường Vành đai 3 là dự án đầu tiên cho phép chuyển trước tiền giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chủ trương đầu tư và trước cả khi có báo cáo tiền khả thi. Bên cạnh đó, công việc kiểm đếm, đo vẽ, cập nhật pháp lý đã làm trước đó, nên thời gian xử lý các bước tiếp theo rất nhanh.

TP.HCM sẽ vận dụng triệt để cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để chuẩn bị trình HĐND Thành phố thông qua một loạt Dự án vào kỳ họp giữa năm nhằm sớm khởi công trong năm 2025.

- Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM

Trong giải phóng mặt bằng, vấn đề quan trọng nhất là duyệt giá làm sao hợp lý nhất, tiệm cận giá thị trường, tạo được sự đồng thuận cho người dân bàn giao mặt bằng. Khi vận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, TP.HCM đã đưa giá đền bù tiệm cận với thị trường, nên người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng. "Với cách làm mới này, TP.HCM có cơ sở và điều kiện để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm", ông Phúc nói.

Từ cách làm hiệu quả của Dự án đường Vành đai 3, TP.HCM tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98, để giải phóng mặt bằng tại một loạt dự án chậm trễ nhiều năm như cầu Nam Lý, cầu Tăng Long. Chính vì vậy, cầu Nam Lý, cầu Tăng Long đã có mặt bằng thi công để hoàn thành vào cuối năm nay.

Sức bật từ cơ chế mới

Nếu như trước đây, với dự án hạ tầng hàng ngàn tỷ đồng, khâu chuẩn bị phải mất 2-3 năm. Nhưng khi vận dụng cơ chế đặc thù, Thành phố rút ngắn thời gian làm thủ tục hơn nửa năm so với trước đây.

Một loạt dự án hạ tầng trọng điểm đang làm thủ tục đầu tư, như 5 dự án BOT đầu tư trên tuyến đường hiện hữu, gồm mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến giáp tỉnh Bình Dương); mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến giáp Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Tổng mức đầu tư của 5 dự án là 44.591 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách TP.HCM dự kiến gần 28.000 tỷ đồng. Sau khi biết tin TP.HCM sẽ mời gọi đầu tư 5 dự án BOT, rất nhiều nhà đầu tư dồn dập gửi văn bản đến UBND TP.HCM đề xuất được đầu tư dự án. Đây là tín hiệu khả quan trong việc đầu tư các dự án hạ tầng tại Thành phố.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp đề xuất nâng cấp, mở rộng Dự án BOT Quốc lộ 22 tại TP.HCM cho biết, điểm hấp dẫn tại các dự án BOT ở TP.HCM là tỷ lệ vốn góp của ngân sách Thành phố chiếm 50 -70% tổng vốn. Với các dự án có chiều dài không lớn, khi có sự tham gia 50% vốn của Nhà nước, thì phần vốn góp còn lại rất phù hợp với năng lực nhà đầu tư. Hơn nữa, khi vốn nhà nước tham gia dự án ở phần giải phóng mặt bằng, thì nhà đầu tư sẽ bớt rủi ro.

TP.HCM cũng đang chuẩn bị đầu tư một loạt dự án “khủng” như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo cơ chế mới từ Nghị quyết 98… Khi vận dụng cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, các dự án này sẽ đồng loạt khởi công trong năm sau.

"Các chuyên gia nhận định, kinh tế TP.HCM nghẽn vì hệ thống hạ tầng giao thông. Vậy nên, khi giao thông được tháo gỡ, thì chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là môi trường đầu tư", Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM khẳng định.

Với hàng loạt dự án đầu tư trong trong 2 năm tới theo cơ chế đặc thù, đến năm 2030, diện mạo hạ tầng giao thông TP.HCM sẽ đổi thay với nhiều trục giao thông liên kết vùng tạo động lực phát triển mới cho đầu tàu kinh tế và các tỉnh lân cận.

TP.HCM: Triệt phá đường dây rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới
Ngày 27/4, Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, vừa triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, có yếu tố nước ngoài hoạt động “rửa tiền,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư