Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Hai công ty kiểm toán ký báo cáo khống giúp cổ phiếu ROS lên sàn
Huệ Nguyễn - 28/02/2024 15:36
 
Bốn cá nhân thuộc Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội; Công ty TNHH Kiểm toán ASC bị cáo buộc biết hồ sơ, bằng chứng kiểm toán của Công ty Xây dựng Faros không đủ cơ sở, nhưng vẫn ký phát hành báo cáo kiểm toán.

Trong kết luận điều tra bổ sung vụ án cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết lừa đảo chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an đã chỉ rõ các vi phạm của các kiểm toán viên thuộc Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội, Công ty TNHH Kiểm toán ASC.

Tại Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội, bị can Nguyễn Ngọc Tỉnh giữ vai trò là Tổng giám đốc, phụ trách chung hoạt động kiểm toán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ về kết quả kiểm toán.

Khi thực hiện hợp đồng kiểm toán các Báo cáo tài chính năm 2014, 2015 và 3 tháng đầu năm 2016 của Công ty cổ phần Xây dựng Faros để lập hồ sơ đề nghị niêm yết, Tỉnh biết báo cáo tài chính chưa đủ cơ sở để chấp nhận toàn phần.

Bốn cá nhân thuộc 2 công ty kiểm toán đã ký khống báo cáo kiểm toán, giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết thành công cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, bị can này vẫn ký ban hành các Báo cáo kiểm toán; Báo cáo kiểm toán độc lập kiểm toán Báo cáo tài chính; Báo cáo kiểm toán vốn góp của chủ sở hữu của Công ty Xây dựng Faros, với nội dung chấp nhận toàn phần đối với các nội dung trên.

Khi Công ty Xây dựng Faros nộp hồ sơ đề nghị công nhận công ty đại chúng, Vụ Giám sát đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát hiện các báo cáo kiểm toán này không đúng quy định pháp luật vì bằng chứng kiểm toán chưa đủ căn cứ để đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần, do đó yêu cầu thực hiện kiểm toán, phát hành lại báo cáo kiểm toán.

Vậy nhưng, công ty này không thực hiện kiểm toán lại, mà đã ký ban hành 3 báo cáo kiểm toán độc lập thay thế, nhưng vẫn giữ nguyên nội dung như báo cáo kiểm toán ban đầu, chỉ thêm một số lưu ý.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi ban hành báo cáo kiểm toán như trên là trái quy định, vi phạm các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

Hậu quả là, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã sử dụng để làm hồ sơ đề nghị và được niêm yết cổ phiếu của Công ty Xây dựng Faros trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Tương tự, Trần Thị Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH kiểm toán TTP (trước đây là Công ty TNHH Kiểm toán ASC cũng được xác định, biết rõ bằng chứng kiểm toán thu thập được không đủ cơ sở để đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần, nhưng bị can này vẫn cùng kiểm toán viên Nguyễn Thị Thu Hương phát hành các Báo cáo kiểm toán, chấp nhận toàn phần với nội dung của Công ty Xây dựng Faros về việc giải trình bổ sung ủy thác đầu tư gửi HoSE.

Các hành vi vi phạm của 2 kiểm toán viên Trần Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hương bị cáo buộc giúp Trịnh Văn Quyết và đồng phạm lập hồ sơ giải trình theo yêu cầu của HoSE để Công ty Xây dựng Faros được niêm yết cổ phiếu (mã ROS) trên sàn chứng khoán, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Ngọc Tỉnh, Lê Văn Tuấn thừa nhận hành vi của mình, và cho rằng việc ký, ban hành báo cáo kiểm toán trái quy định do Công ty FLC và các công ty trong hệ sinh thái là khách hàng lớn, thường xuyên, nên ban hành báo cáo theo ý muốn của doanh nghiệp để được thanh toán tiền.

Bị can Trần Thị Hạnh cũng thừa nhận hành vi của mình, song không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài số tiền phí kiểm toán, Hạnh không được hưởng lợi gì khác.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Tỉnh, Tuấn và Hạnh đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Văn Quyết

Riêng Nguyễn Thị Thu Hương được xác định thực hiện hành vi với vai trò thứ yếu, lệ thuộc, theo sự phân công của cấp trên, chỉ làm công ăn lương, không được hưởng lợi ích vật chất từ hành vi của mình. Do đó, Cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về hành chính.

Không xử lý hình sự cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vụ Trịnh Văn Quyết
Liên quan tới các vi phạm của Tập đoàn FLC, ông Trần Văn Dũng, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cựu Tổng giám đốc HoSE không bị xử...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư