Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hải Dương - xứ Đông bừng sáng
Thanh Tân - 09/02/2019 16:00
 
Tên gọi “Hải Dương” chính thức có từ năm 1469, có nghĩa là “ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về”. Với truyền thống là nền tảng, là động lực, cùng sự cần cù, sáng tạo, dám làm, kết quả hoạt động rất thành công trong năm 2018 sẽ là bước đà tốt cho Hải Dương tự tin bước vào năm 2019 với những thành công mới.
Bộ mặt đô thị Hải Dương ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thành Chung
Bộ mặt đô thị Hải Dương ngày càng khởi sắc. Ảnh: Thành Chung

Được mùa

Những ngày đầu năm 2019, những ai đến với Hải Dương đều cảm thấy được sống trong ngập tràn âm thanh, sắc màu của Lễ hội Văn hóa du lịch xứ Đông - chào đón năm mới 2019. Một sự khởi đầu cho một năm mới hanh thông, khi năm 2018 qua đi trong niềm vui, phấn khởi bởi sự thành công mới trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương.

Khi người dân, du khách thấy rạo rực trong lòng, thấy cuộc sống thật đáng yêu trong không khí Tết đến, Xuân về, thì có lẽ, đó sẽ là một dự cảm tốt lành. Lần đầu tiên, Chương trình “Carnaval - Hải Dương mùa Xuân gọi” nằm trong Lễ hội Văn hóa du lịch xứ Đông - chào đón năm mới 2019 diễn ra rất hoành tráng, với sự tham gia của 2.000 diễn viên trong nước và quốc tế. Lung linh sắc màu, âm nhạc hào hùng, vui tươi, lắng đọng, các diễn viên đã thể hiện sinh động các tiết mục hát, múa, diễn xướng đặc sắc xuyên suốt theo mạch thời gian liên tục, cùng lúc dưới đường và trên sân khấu đa tầng, đa chiều, khiến khán giả vô cùng thích thú.

Một du khách từ TP. Sơn La về tham dự Chương trình phấn khởi nói: “Trước đây, tôi chỉ biết Hải Dương là quê hương của bánh đậu xanh và có di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Nhưng qua chương trình này mới thấy, Hải Dương hội tụ rất nhiều danh lam thắng cảnh gắn với các nhân vật nổi tiếng và ẩm thực cũng phong phú, hấp dẫn”.

Quả vậy, ngay mới đây thôi, Hải Dương đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền và Cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia. Đúng như ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã khẳng định: “Hải Dương - xứ Đông xưa là mảnh đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, là quê hương của biết bao anh hùng hào kiệt, danh nhân lỗi lạc. Hải Dương tự hào khi có 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt”.

Nhìn lại chặng đường một năm qua, có thể thấy một Hải Dương đổi khác. Năm 2018 đánh dấu bước phát triển mạnh của sản xuất nông nghiệp Hải Dương - một năm nông sản được mùa, nhưng không xảy ra tình trạng ế thừa, mất giá. Đây chính là nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp.... Một năm của sự tăng trưởng toàn diện.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 18.348 tỷ đồng, vượt 1,5% kế hoạch năm, tăng 6% so với năm 2017. Giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi héc-ta đất trồng trọt và nuôi thủy sản đạt 145,3 triệu đồng, tăng gần 6 triệu đồng. Năng suất lúa tăng cao, đạt 60,5 tạ/ha, tăng 4,8 tạ/ha so với năm 2017. Rau màu, cây ăn quả tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao.

Các vùng sản xuất chuyên canh theo sản phẩm đặc thù của từng địa phương như rau vụ đông (Gia Lộc), cà rốt (Cẩm Giàng), hành tỏi (Kinh Môn), vải thiều (Thanh Hà)... được đầu tư phát triển. Đặc biệt, đây cũng là năm sản lượng vải - nông sản đặc sản của tỉnh - đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 66.000 tấn.

Năng suất tăng cao, tiêu thụ thuận lợi đã đem lại nguồn thu lớn cho người trồng vải. Những thuận lợi trong sản xuất đã góp phần làm gia tăng giá trị kinh tế của lĩnh trồng trọt, với mức tăng trưởng 8,8%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều thu được kết quả khả quan.

Có thể nói, bức tranh nông nghiệp với sự tăng trưởng vượt bậc là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và 2018 là một năm bội thu của ngành nông nghiệp Hải Dương.

Qua sông, hết phải lụy đò

Hải Dương nằm tại tâm điểm của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Lợi thế có đấy, nhưng nhiều khi lại không hẳn là điểm mạnh. Quá một chút sẽ lên Hà Nội. Quá một chút lại xuống với Hải Phòng cảng biển, cảng hàng không. Nhưng giờ đây, Hải Dương đã có nhiều điểm để giữ chân nhà đầu tư. Giao thông đã là một mạng lưới hiện đại, đạt chuẩn và kết nối vùng.

Tháng 12/2018, Hải Dương thông xe đoạn tuyến bổ sung nối đường 62 m kéo dài đến nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - đoạn từ Khu đô thị mới phía Tây TP. Hải Dương đi huyện Gia Lộc. Tổng chiều dài đoạn tuyến là 4,5 km, quy mô đường phố chính cấp II; tốc độ thiết kế 80 km/h. Mặt cắt ngang đường rộng 62 m, gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, dải phân cách giữa rộng 11,5 m, vỉa hè 2 bên mỗi bên rộng 10 m. Đẹp và hiện đại. Đường liên huyện cũng phẳng lỳ, thẳng tắp.

Không chỉ đạt các con số ấn tượng về năng suất, sản lượng, mà sản xuất nông nghiệp Hải Dương còn mang đậm dấu ấn của nền nông nghiệp chú trọng chất lượng sản phẩm và liên kết chuỗi.

Hải Dương có rất nhiều sông. Đây từng là trở ngại, nhiều khi ngăn cản sự phát triển. Nhưng giờ đây, du khách, người nông dân, doanh nghiệp đã dần thoát khỏi cảnh “lụy đò”. Cầu liên tỉnh, liên huyện đã thay thế những con đò, bến phà ngày trước. Kế hoạch đã có, đã và đang triển khai cho những cây cầu nối Kinh Môn với Thủy Nguyên (Hải Phòng). Hay cầu Quang Thanh (Thanh Hà - An Lão) sẽ có trong năm 2020, để những quả vải thiều Thanh Hà nổi tiếng nhanh tới cảng biển Hải Phòng ra thế giới. Người nông dân, doanh nghiệp sẽ phấn khởi, vui mừng biết bao khi 66.000 tấn vải thiều sẽ không chỉ có một con đường duy nhất đến với người tiêu dùng. Và nông thôn mới sẽ càng ý nghĩa hơn khi đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao cả về lượng và chất.

Nói đến doanh nghiệp, cho dù Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa hẳn đã đẹp và vẫn còn đâu đó những hạn chế trong cải cách thủ tục hành chính, trong tiếp cận doanh nghiệp, nhưng Hải Dương cũng đã ngày càng giành được sự thiện cảm hơn của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 13.000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 138.678 tỷ đồng. Như vậy, ở Hải Dương, bình quân 138 người dân có 1 doanh nghiệp, cao gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Về tổng thể, các doanh nghiệp trên địa bàn đang hoạt động ổn định, hiệu quả. Nhiều dự án liên tục tăng quy mô hoạt động, nhất là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều đó cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Hải Dương được cải thiện rất tích cực.

Đúng như đánh giá của ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương: “2018 là một năm thành công trong thu hút đầu tư của tỉnh. Thời gian qua, Hải Dương đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có nhiều thay đổi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm”.

Minh chứng cho đánh giá trên là những con số cụ thể, như đầu tư trong nước có 122 dự án, tổng vốn đầu tư 6.533 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với năm 2017); thu hút FDI đạt 605,1 triệu USD, tăng 53,8% so với năm 2017, trong đó, cấp mới cho 43 dự án (vốn đăng ký 235,7 triệu USD), điều chỉnh tăng vốn cho 48 dự án (vốn tăng thêm 369,4 triệu USD). Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 395 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 7,672 tỷ USD.

Ngày mới ngập nắng

Không chỉ đạt những con số ấn tượng về năng suất, sản lượng, mà thực tế sản xuất nông nghiệp của Hải Dương còn mang đậm dấu ấn của một nền nông nghiệp chú trọng chất lượng sản phẩm và xây dựng liên kết chuỗi để phát triển dài lâu. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng được quan tâm và áp dụng rộng rãi trong cả trồng trọt và chăn nuôi. Đây là hướng đi cho sự phát triển bền vững, chất lượng của Hải Dương đang trên đường phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ.

Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Sản xuất theo đơn đặt hàng sẽ tránh được vòng luẩn quẩn “được mùa - mất giá” đã tồn tại lâu nay. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 37 chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, tạo được mối liên kết sản xuất - tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản. Hải Dương có 3/11 huyện đã về đích nông thôn mới. Với những kinh nghiệm đã có, cùng sự đầu tư, đồng lòng của người dân, xây dựng nông thôn mới ở Hải Dương vẫn đang theo đúng định hướng và lộ trình về đích.

Thị xã Chí Linh, với di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nổi tiếng, cũng đã có đủ điều kiện và dáng dấp của một thành phố mới. Năm 2019, tỉnh sẽ có 2 thành phố là Hải Dương và Chí Linh (đã được các bộ, ngành thẩm định đủ tiêu chuẩn). Đây là nền móng vững chắc cho sự phát triển của đô thị Hải Dương, hướng tới tỉnh công nghiệp như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã đề ra.

Các khu công nghiệp của Hải Dương như Đại An, Tân Trường, Nam Sách, Mao Điền và tới đây là Việt Hòa Kenmark (đã hồi sinh) vẫn sẽ là nơi đáng đến của các nhà đầu tư. Bên cạnh các doanh nghiệp đã đầu tư vào Hải Dương, hiện có nhiều tập đoàn, công ty lớn đang tìm hiểu, đề xuất dự án với quy mô hàng ngàn tỷ đồng trên địa bàn tỉnh, như Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Toàn cầu TMS, Công ty TNHH Daeho... “Đây là những tín hiệu vui về thu hút đầu tư của tỉnh - một nguồn lực đầu tư rất lớn cho sự phát triển ổn định của Hải Dương trong năm 2019”, ông Kiêm khẳng định.

Bất động sản Hải Dương hút dòng vốn đầu tư
Hải Dương đang nổi lên như một điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp mà còn là bất động sản. Nhiều chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư