Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Hải Dương công bố chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện năm 2024
Thanh Sơn - 11/04/2025 09:20
 
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành quyết định số 868/QĐ-UBND về việc phê duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các sở, ban, ngành (trước khi sáp nhập sở) và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Theo quyết định, năm 2024, kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương được xác định thành 2 nhóm điểm.

Nhóm đạt chỉ số tổng hợp từ 90% trở lên so với điểm tối đa (không có tiêu chí thành phần dưới 80%) có 3 đơn vị. Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) tiếp tục xếp thứ nhất khối sở, ban, ngành với chỉ số tổng hợp đạt được là 93,08%. Sở Nội vụ xếp thứ hai với 90,41%, Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) xếp thứ ba với 90,3%.

Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phong Tuyết
Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phong Tuyết

Nhóm đạt chỉ số tổng hợp từ 80% đến dưới 90% so với điểm tối đa (không có tiêu chí thành phần dưới 70%) có 15 đơn vị, xếp theo thứ tự đạt điểm từ cao đến thấp, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (nay là Sở Nội vụ), Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính), Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường).

Không có sở, ngành nào có chỉ số tổng hợp dưới 80%.

Có 6/18 đơn vị có chỉ số cải cách hành chính tăng bậc so với năm 2023 gồm các sở: Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng); Sở Xây dựng; Tư pháp; Lao động, Thương binh và Xã hội (nay là Sở Nội vụ); Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính); Y tế và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

Trong đó, Sở Y tế tăng cao nhất (tăng 2,39%), xếp hạng tăng 6 bậc so với 2023. Giảm nhiều nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường (giảm 4,72%), xếp hạng giảm 5 bậc so với năm 2023, đứng cuối trong xếp hạng các sở, ban, ngành.

Đối với UBND cấp huyện, nhóm đạt chỉ số tổng hợp từ 90% trở lên so với điểm tối đa (không có tiêu chí thành phần dưới 80%) có 2 đơn vị gồm UBND các huyện: Nam Sách, Kim Thành.

Chỉ số cải cách hành chính của khối UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phong Tuyết
Chỉ số cải cách hành chính của khối UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phong Tuyết

UBND huyện Nam Sách xếp hạng nhất với 91,5%, UBND huyện Kim Thành xếp thứ hai với 90,8%. Còn 10 huyện, thị xã, thành phố còn lại đều thuộc nhóm đạt chỉ số tổng hợp từ 80% đến dưới 90% so với điểm tối đa (không có tiêu chí thành phần dưới 70%), xếp theo thứ tự đạt điểm từ cao đến thấp, gồm: TP. Chí Linh, TP. Hải Dương, Ninh Giang, Gia Lộc, Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, Bình Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ. Không UBND cấp huyện nào có Chỉ số tổng hợp dưới 80%.

Có 10/18 đơn vị Chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn so với năm 2023. Trong đó, tăng cao nhất là UBND huyện Kim Thành (tăng 2,21%), xếp hạng tăng 1 bậc so với 2023; giảm nhiều nhất là UBND thị xã Kinh Môn (giảm 0,5%), xếp hạng giảm 4 bậc so với năm 2023. UBND huyện Tứ Kỳ đứng cuối bảng xếp hạng với 85,25%.

Dựa trên kết quả này, có 5 thủ trưởng sở, ban, ngành, địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gồm: Giám đốc các Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng), Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) và Chủ tịch UBND các huyện Nam Sách, Kim Thành. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương còn lại xếp hạng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hải Dương, việc triển khai kế hoạch, tổ chức đánh giá xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 đã bảo đảm đúng tiến độ thời gian, bám sát tiêu chí theo quy định. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính hàng năm tiếp tục khẳng định là công cụ quản lý quan trọng, thước đo giúp xác định điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phong Tuyết
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hải Dương. Ảnh: Phong Tuyết

Năm 2024, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Nhiều thể chế, chính sách cải cách quan trọng đã thông qua. Cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công được triển khai tích cực, mang lại nhiều hiệu quả mới và lợi ích mới cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều mô hình cải cách mới về cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính được thí điểm, áp dụng. Cải cách tài chính công được quan tâm, quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số có nhiều chuyển biến.

Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, quyết liệt chỉ đạo đối với công tác cải cách hành chính. Nhờ vậy, kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều đạt từ 80% trở lên.

Tuy nhiên, qua triển khai đánh giá Chỉ số cải cách hành chính cho thấy còn một số hạn chế như chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, kết quả thực hiện nhiệm vụ ở một số đơn vị chưa được đánh giá cao. Công tác tuyên truyền về cải cách hành chính chưa được đa dạng hóa. Vẫn còn có một số sở, ngành chậm tham mưu công bố, công khai thủ tục hành chính, tỷ lệ số hoá hồ sơ kết quả thủ tục hành chính chưa đạt 100% theo chỉ tiêu đề ra.

Tại một số sở, ban, ngành, có đơn vị chưa quyết tâm chỉ đạo trong việc cải cách tổ chức bộ máy và cải cách chế độ công vụ. Trong khi giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của UBND cấp huyện năm 2024 đạt 87,91%, cao hơn so 0,71% so với năm 2023 thì giá trị trung bình của của 18 sở, ban, ngành năm 2024 là 88,52%, tuy vẫn cao hơn cấp huyện nhưng giảm 0,78% so với năm 2023.

Ở một số địa phương, việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm còn mang tính hình thức, chưa sát thực tiễn. Việc tổ chức diễn đàn, đối thoại để giải quyết vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp chưa có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo cấp huyện. Chưa có sáng kiến, sáng tạo mạnh mẽ trong cải cách hành chính.

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025; ngày 27/12/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5128/KH-UBND về cải cách hành chính nhà nước tỉnh năm 2025, tập trung đẩy mạnh thực hiện 07 nội dung lĩnh vực cải cách hành chính. Cụ thể là Công tác chỉ đạo điều hành, Cải cách thể chế, Cải cách thủ tục hành chính, Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Cải cách chế độ công vụ, Cải cách tài chính công, Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

UBND tỉnh Hải Dương cũng đã xác định 52 nhiệm vụ và 92 hoạt động theo tinh thần “5 rõ”, mỗi nhiệm vụ, hoạt động đều gắn với sản phẩm cụ thể, quy định thời gian hoàn thành; gắn trách nhiệm cho từng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện.

Hải Dương sẽ giảm khoảng 50% tổng số đơn vị hành chính cấp xã
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Kế hoạch số 1547/KH-UBND về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ tiêu chí,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư