Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hài hòa chính sách và bài toán vốn cho năng lượng
Thế Hoàng - 18/03/2021 10:10
 
Việt Nam và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) cần xây dựng chính sách năng lượng hài hòa, sớm hình thành thị trường điện khu vực cạnh tranh…
Tăng cường sản xuất điện vẫn là yếu tố cần thiết đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và trong GMS.

Chính sách cho năng lượng tái tạo

“Việt Nam và các nước thành viên GMS cần xây dựng một chính sách năng lượng hài hòa với khu vực để tiến tới cụ thể hóa từng bước các mục tiêu phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng, nâng cao được sức chống chịu của nền kinh tế”, GS. Toshiro Nishizawa (Đại học Tokyo, Nhật Bản) nhấn mạnh tại Diễn đàn Tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhằm phát triển năng lượng bền vững Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) giai đoạn hậu Covid-19.

Năng lượng là một trong 9 lĩnh vực ưu tiên chính trong hợp tác GMS được khởi động từ năm 1992. Hợp tác này đặt mục tiêu tìm kiếm các giải pháp để hình thành một thị trường điện mang tính cạnh tranh, có tính bổ trợ và giảm thiểu tác động từ việc đầu tư năng lượng khi chỉ dựa vào các nguồn năng lượng theo cách truyền thống.

Chia sẻ về thực trạng phát triển, những vấn đề và thách thức của hợp tác GMS, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, những năm qua, hợp tác GMS dù có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng tốc độ bứt phá chưa được như kỳ vọng; hiệu quả thực thi của một số cơ chế, sáng kiến và dự án còn thấp, còn nhiều cơ chế hợp tác bị chồng chéo và trùng lặp ở các lĩnh vực, nội dung ưu tiên.

Dù còn không ít trở ngại, nhưng Việt Nam đã và đang thực hiện chủ trương phát triển năng lượng theo định hướng dịch chuyển dần từ các nguồn năng lượng truyền thống, hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng (LNG) để đa dạng các nguồn cung ứng điện.

TS. Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong bối cảnh tài nguyên năng lượng truyền thống dần cạn kiệt và gây ô nhiêm môi trường, sản lượng dự trữ dầu thô và các mỏ dầu khí truyền thống đang sụt giảm, việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo trở thành xu hướng tất yếu và đang huy động được nguồn vốn lớn từ các doanh nghiệp Việt và các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu “nguồn phát điện sẽ theo hướng đa dạng hơn để đảm bảo an ninh cung cấp điện, tăng tỷ trọng và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo”.

Nỗi lo vốn lớn

Tăng cường sản xuất điện vẫn là yếu tố cần thiết đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và trong GMS, nhưng để có thêm được các dự án mới, dự án năng lượng tái tạo theo đúng mục tiêu phát triển bền vững, thì việc hợp tác về điều chỉnh chính sách năng lượng phải được các quốc gia GMS triển khai đồng bộ.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nhấn mạnh, mấu chốt của các dự án điện tại các quốc gia GMS giai đoạn tới là phải giảm được tác động tới môi trường, chẳng hạn, xây dựng nhà máy thủy điện và đa dạng sinh học dọc theo sông Mekong, kết nối hạ tầng tạo chìa khóa cho các hoạt động xuất nhập khẩu điện trong GMS. Ngoài ra, liên kết và điều phối chính sách năng lượng cũng quan trọng không kém, tạo ra sự đồng thuận lớn để tăng hỗ trợ trong vận hành thị trường điện.

Theo tính toán, nhu cầu đầu tư cho ngành điện hàng năm được đặt ra trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII là 12-13 tỷ USD/năm. Con số này là không dễ trong bối cảnh nền kinh tế không thể thu xếp được.

Hiện tại, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện gần như bất khả thi. Với quy mô thị trường vốn trong nước hiện nay và trong ít nhất 5 năm tới, dòng vốn nội sinh của nền kinh tế không thể đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển ngành điện. Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, cửa tiếp cận vốn ODA dần khép lại.

Nhưng, trong khuôn khổ hợp tác GMS, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, tăng kết nối khu vực về năng lượng được cải thiện sẽ giúp giảm phần nào áp lực đối với việc sử dụng các loại tài nguyên như than, khí và nước…

GMS được đánh giá là tiểu vùng thành công nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, nhưng khoảng cách phát triển trong khu vực vẫn còn rộng. Bởi vậy, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững, đặc biệt với lĩnh vực năng lượng, phải được triển khai càng nhanh càng tốt.

Dự án năng lượng tái tạo hút vốn ngoại
Giá mua điện hấp dẫn, tiền về đều đặn hàng tháng đã khiến dòng vốn ngoại nhanh chóng tìm tới các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư