Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hai năm lấy phiếu tín nhiệm một lần, vì không phải cán bộ làm được mọi việc
Nguyễn Lê - 30/05/2023 16:55
 
Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận tại phiên thảo luận tổ.

Tiếp tục Kỳ họp thứ năm, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Về thời hạn và thời điểm, dự thảo quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Hình thức lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với  các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức, trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Dự thảo cũng quy định nhiều nội dung cụ thể làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm liên quan đến phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó có việc thực hiện những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kết quả công tác lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao… cũng là căn cứ để đánh giá.

Băn khoăn về căn cứ lấy phiếu, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, nếu trước khi được bầu, phê chuẩn bổ nhiệm các vị trong diện được lấy phiếu có chương trình hành động, thì trước khi lấy phiếu đại biểu có căn cứ để soi vào đó đánh giá việc thực hiện chức năng nhiệm vụ. Không có cái đó đại biểu khó đong đếm, lường định đâu là người làm được việc, đâu là người không làm được việc.

Trong dự thảo phải bổ sung quy định làm căn cứ cho đại biểu lấy phiếu tín nhiệm. Hoặc là phải có báo cáo kết quả hoạt động giữa nhiệm kỳ, cả khóa hoặc là trước khi bầu phê chuẩn phải có chương trình hành động, ông Vân đề nghị.

Đai biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhấn mạnh, kinh nghiệm cho thấy không có gì qua được mắt dân, dù có thể nói ra hay không nói ra nhưng dân đều biết ai dám nghĩ dám làm, ai vì lợi ích chung không vụ lợi .

“Vì thế không sợ người làm tốt mà không được tín nhiệm cao”. Nêu kiến nghị dù nhấn mạnh rằng “rất khó được tiếp thu”, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề nghị lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ 5 năm.

Lần thứ nhất sau 2 năm đầu để có kênh có thể rà soát xem xét lại năng lực, vì không phải một cán bộ làm được mọi vị trí, có thể làm tốt chức vụ này mà không tốt chức vụ khác. Lần hai tiến hành sau 4 năm để tiếp tục xem xét chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới, lúc này cán bộ nào làm tốt thì biết cả rồi, ông Hận phân tích.

Về mức độ tín nhiệm, vị đại biểu Cà Mau cho rằng, chỉ nên để hai mức là tín nhiệm cao và tín hiệm nhấp. Nếu ai có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp thì bỏ phiếu tín nhiệm với hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm.

Nếu số phiếu không tín nhiệm mà cao thì tiến hành cho thôi giữ chức và loại khỏi quy hoạch khóa tới, ông Hận nêu quan điểm.

Nhận xét thông tin đầu vào quá ít nên việc lấy phiếu vẫn mang tiếng ước lệ, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) băn khoăn về hệ quả. Nếu xử lý hệ quả theo kết quả ước lệ có khi lại mất cán bộ, đại biểu Chu Hồi lo ngại.

Vì thế, theo đại biểu Hồi, cần phải phân ra nhiều trường hợp với người có tỷ lệ tín nhiệm thấp cao. Chẳng hạn, nếu bố trí không đúng sở trường khiến họ nhận tín nhiệm thấp thì nên luân chuyển. Với những người mà có dấu hiệu liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nhưng còn chưa rõ ràng thì có thể chuyển tạm sang vị trí khác, còn đã rõ ràng thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm luôn.

Thông tịn để có thể phân ra các trường hợp như trên, đại biểu Hồi khẳng định cơ quan làm công tác tổ chức phải biết, nếu chỉ dựa vào kết quả lấy phiếu thì có thể cực đoan. 

Dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp này.

Đề xuất không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo
Đồng thời, đề xuất cán bộ tín nhiệm thấp, không quá 10 ngày phải từ chức đã không được trình Quốc hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư