Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Hải Phòng đẩy nhanh việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thanh Sơn - 09/01/2024 15:50
 
Chiều nay (9/1), Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị nghe báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 và phương hướng triển khai các nhiệm vụ năm 2024 của Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

“Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân dịp kỷ niệm 450 năm ngày mất (1585 - 2035)” được thành lập tại Quyết định số 2195/QĐ-UBND của UBND TP. Hải Phòng ngày 31/7/2023.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trịnh Văn Tú, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, năm 2023, Sở đã tham mưu, trình Ban vận động ban hành các quyết định quy chế hoạt động của Ban vận động; Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trong năm 2024; Kế hoạch tổ chức cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (ca khúc và kịch bản sân khấu) về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ông Trịnh Văn Tú, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 của Ban vận động
Ông Trịnh Văn Tú, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 của Ban vận động

Tháng 12/2023, UBND Thành phố cũng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Qua hội thảo, Ban vận động có cái nhìn tổng quan, sâu sắc hơn về thời đại mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống, từ đó có thêm các tư liệu để xây dựng hồ sơ khoa học về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bên cạnh các nhiệm vụ của Ban vận động, việc thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được quan tâm thực hiện. Tháng 7/2023, UBND Thành phố đã ban hành tờ trình đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản tu bổ, phục hồi Di tích, công tác trùng tu, tôn tạo di tích tiếp tục được quan tâm. Thành phố đã đồng ý chủ trương đối với đề xuất của UBND huyện Vĩnh Bảo tu sửa cấp thiết 3 hạng mục: Tháp bút Kình Thiên, Quán Trung Tân, Sân và tường bao nhà điều hành di tích với tổng số kinh phí là 4 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố năm 2024.

Lễ hội truyền thống và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục được duy trì. Lễ hội kỷ niệm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được UBND huyện Vĩnh Bảo duy trì tổ chức hàng năm.

Khu Di tích Đền thờ Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm
Khu Di tích Đền thờ Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm

Lễ hội nhằm tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của Di tích. Qua đó, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân.

Cùng với lễ hội kỷ niệm ngày mất, lễ dâng hương kỷ niệm ngày sinh của Trạng Trình cũng được huyện Vĩnh Bảo duy trì tổ chức, vào các năm tròn, năm chẵn, lễ kỷ niệm được tổ chức với quy mô lớn.

Bên cạnh các lễ hội, hàng năm, Thành phố vẫn duy trì tổ chức Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc tại Khu di tích. Đối tượng được biểu dương là các học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, đạt các giải cao trong các kỳ thi. Lễ biểu dương là hoạt động thường niên nhằm góp phần khích lệ mạnh mẽ phong trào thi đua học tập, rèn luyện trong học sinh, sinh viên thành phố, phát huy tinh thần thông minh, hiếu học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại Lễ biểu dương năm 2023, Chủ tịch UBND Thành phố đã tặng Bằng khen và mức khen thưởng 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu.

Ban Vận động chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực văn hóa, lịch sử; các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO
Ban Vận động chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực văn hóa, lịch sử; các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, Trưởng ban Ban vận động cho biết: “Thành phố nhận thức được việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là việc làm khó, cần có thời gian chuẩn bị nên thành phố đã triển khai từ rất sớm (trước 12 năm kỷ niệm 450 năm ngày mất của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm). Năm 2024, đề nghị Ban vận động thực hiện việc tổ chức sản xuất phim; Tổ chức hội thảo cấp Thành phố về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Sưu tầm, kiểm kê, biên soạn, lập thư mục các tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm và các công trình nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm; Tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm xây dựng hồ sơ danh nhân đề nghị vinh danh tại một số địa phương đã thành công với việc này”.

Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, Trưởng ban Ban vận động
Ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, Trưởng ban Ban vận động

Đồng thời, ông Nam mong muốn trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các Giáo sư, các nhà khoa học để việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt kết quả tốt nhất.

Trước đó, sáng nay (9/1), nhân dịp lễ hội kỷ niệm 438 năm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lễ phát động Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (ca khúc và kịch bản sân khấu) về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng tổ chức.

Một số hình ảnh tại buổi lễ phát động Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (ca khúc và kịch bản sân khấu) về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Một số hình ảnh tại buổi lễ phát động Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật (ca khúc và kịch bản sân khấu) về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Theo đó, nội dung các tác phẩm dự thi sẽ ca ngợi thân thế, sự nghiệp, những công lao, đóng góp, cống hiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nền văn học, văn hóa và giáo dục của dân tộc Việt Nam. Đối tượng tham gia là các nhạc sỹ, các văn nghệ sỹ chuyên và không chuyên ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, yêu thích sáng tác âm nhạc và kịch bản sân khấu; mọi công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam.

Cuộc thi lần này tập trung vào 3 thể loại ca khúc, kịch nói và chèo. Giải thưởng dành cho mỗi thể loại là: Giải Nhất 50 triệu đồng, giải Nhì 20 triệu đồng và giải Ba 10 triệu đồng. Cuộc thi sẽ kết thúc nhận bài dự thi vào tháng 11/2024, chấm thi từ tháng 12/2024 và dự kiến công bố trao giải vào quý II/2025.

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phát biểu tại lễ phát động
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng phát biểu tại lễ phát động

Phát biểu tại lễ phát động, bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng mong muốn, thông qua cuộc thi này, sẽ phát động rộng rãi phong trào sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là loại hình nghệ thuật âm nhạc và kịch bản sân khấu, lựa chọn ra những tác phẩm mới, có giá trị nghệ thuật, biểu trưng được thân thế, sự nghiệp của Trạng Trình, phục vụ các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Trạng Trình đến với nhân dân cả nước và thế giới. Cuộc thi là hoạt động thiết thực để tri ân những công lao, đóng góp, cống hiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với nền văn học và giáo dục dân tộc.

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (còn gọi là đền quan Trạng, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), thuộc thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng). Đền thờ vừa là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân trong lịch sử, cũng là địa điểm diễn ra các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân. Năm 1991, Đền được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia và năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt.
Tìm động lực tăng trưởng cho công nghiệp văn hóa
Mục tiêu đóng góp 7% GDP vào năm 2030 của ngành công nghiệp văn hóa hoàn toàn khả thi khi lĩnh vực này thực sự được nhìn nhận là một ngành kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư