Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Hải Phòng sẽ xây dựng và phát triển 6 trung tâm logistics mới
Thanh Sơn - 23/04/2021 15:33
 
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Hải Phòng hoàn toàn có thể tạo ra những đột biến để trở thành địa bàn trọng điểm về logistics của cả vùng.

Sáng 23/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logicstics Hải Phòng”.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, dịch vụ logistics Hải Phòng tăng trưởng bình quân 23%/năm, góp phần quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước.

Các ngành cảng biển đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Hải Phòng có 50 bến cảng biển và khoảng 444 bến cảng thủy nội địa; 30 kho dịch vụ với hơn 160.000 m2, phần lớn tập trung trên địa bàn quận Hải An và Ngô Quyền. Năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt hơn 142 triệu tấn, tăng bình quân 17,55%, dịch vụ hàng không cũng được phát triển mạnh mẽ với 11 đường bay nội địa, 4 đường bay quốc tế được khai. Các dịch vụ logistics đã được quan tâm xác định được vị trí chủ lực có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thọ, hoạt động logistics chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của thành phố, chưa có trung tâm logistics, trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa lớn, chi phí dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng phát biểu chào mừng hội nghị
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng.

Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, Hải Phòng đã lấy lại được phong độ của mình trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, lấy lại đẳng cấp của sự tiên phong với việc xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong PCI, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019. Hải Phòng đang đi đầu trong việc hút dòng vốn FDI của cả nước, là một cực tăng trưởng mạnh mẽ của tam giác phát triển kinh tế phía Bắc. Đó cũng là một trong những hạ tầng mềm tạo động lực phát triển.

Theo ông Lộc, ở góc độ hạ tầng cứng, với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc. Đặc biệt, Hải Phòng giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác "Hai hành lang - Một vành đai kinh tế" giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc hội nghị
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Việc đầu tư vào lĩnh vực logistics và tăng cường liên kết logistics không chỉ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, mà còn giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp đồng thời đón nhận cơ hội rất lớn cho logistics ở Việt Nam. Hiện nay, động lực phát triển đang dịch chuyển rất mạnh về phía Bắc khi các chuỗi cung ứng và dịch chuyển của Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển đến các tỉnh phía Bắc, đặc biệt Hải Phòng là tâm điểm của cơ hội đó.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Hải Phòng hoàn toàn có thể tạo ra những đột biến để trở thành địa bàn trọng điểm về logistics của cả vùng. Tuy nhiên, để hiện thực điều đó, Hải Phòng cần sớm lập quy hoạch kết nối đường sắt đến các bến cảng, triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia; cải cách thủ tục hành chính; mở rộng thị trường, hỗ trợ kết nối cho doanh nghiệp dịch vụ logistics với chủ hàng...

Quan trọng hơn cả, Hải Phòng cần đẩy mạnh liên kết vùng, tạo sự liên kết ngang giữa Hải Phòng với các địa phương. Trong đó phát triển logistics đã được thành phố xác định là một trong 3 trụ cột để xây dựng và phát triển thành phố: Công nghiệp công nghệ cao, Cảng biển và Logictics và Du lịch - Thương mại.

Do đó, trong thời gian tới, theo ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, có những chính sách hỗ trợ cụ thể, kịp thời để tạo điều kiện cho dịch vụ logictics thành phố phát triển, phát triển bền vững, nhất là trong giai đoạn 2021 -2025, thành phố sẽ phát triển 6 trung tâm logistics, diện tích 261 ha. Hiện, thành phố đang có 2 trung tâm logistics đã hoạt động là Trung tâm Logistics Green, Trung tâm tiếp vận Yusen Logistics (KCN Đình Vũ) và 1 trung tâm logistics đang xây dựng là Trung tâm CDC (KCN Đình Vũ 2).

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), quy mô của các công ty logistics ở Hải Phòng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năng lực cạnh tranh trên thị trường dịch vụ quốc tế và trong nước còn yếu. Thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp chồng chéo kéo dài thời gian thông quan cho các lô hàng xuất nhập khẩu.

Theo khảo sát các doanh nghiệp, hiện vấn đề đầu tiên là giao thông, ùn tắc giao thông là vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến giao thương. Thứ hai là thiếu kết nối vận tải dẫn đến tình trạng xe rỗng. Thứ ba, do ảnh hưởng của Covid-19. Thứ tư, thủ tục hành chính.

Ông Khoa cho rằng, thành phố Hải Phòng cần nâng cao năng lực của hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của các cảng biển cầu nối quan trọng của hoạt động logistics toàn cầu. Kho bãi tập kết hàng hóa phải được thành phố ưu tiên phát triển. Cho phép khu vực tư nhân được tham gia đầu tư các dự án phát triển hệ thống kho bãi, thông tin liên lạc. Xây dựng một số trung tâm dịch vụ logistics. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin.

Với cảng biển có thể xem xét theo mô hình hệ thống portnet của Singapore, nơi mà thông tin được quản lý và chia sẻ bởi cảng biển, hãng tàu, các nhà vận chuyển đường bộ, các đại lý giao nhận vận tải và các cơ quan của Chính phủ, nhất là hải quan. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động logistics.

Được biết, Hải Phòng hiện có khoảng gần 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics với khoảng 175.000 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện tại của Hải Phòng thiếu cả về chất lượng và số lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện chỉ đáp ứng khoảng 40% - 45% nhu cầu của ngành.

Đánh giá vai trò của hạ tầng logistics từ góc nhìn nhà đầu tư khu công nghiệp, ông Hans Kerstens, Giám đốc về Phát triển kinh doanh quốc tế của Tổ hợp khu công nghiệp Deep C cho rằng, hoạt động sản xuất công nghiệp tập trung tại các KCN có vị trí gần cảng biển để giảm chi phí logistics nội địa và thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Những KCN có vị trí chiến lược và quỹ đất lớn đang có nhiều lợi thế thu hút đầu tư.

Để giải bài toán logistics đến từ sự dịch chuyển, thì hạ tầng logistics Hải Phòng cần được đầu tư và nâng cấp thêm đáng kể để có thể hấp thụ được dòng vốn FDI đang ngày càng tăng thêm.

Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logicstics Hải Phòng”
Hội nghị “Liên kết phát triển dịch vụ logicstics Hải Phòng”.

Ngoài ra, còn nhiều ý kiến đóng góp để giúp UBND TP Hải Phòng xây dựng một chính sách phát triển ngành logistics hiệu quả, bền vững. Từ đó, xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực; hình thành các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ logistics với chất lượng cao, đủ năng lực, từng bước cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Đưa chi phí logistics giảm xuống mốc 16% GDP
Việt Nam đặt mục tiêu đưa chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP thay cho mức trên 20% như hiện tại, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư