Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 13 tháng 11 năm 2024,
Hải quan siết quản lý hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử
Thế Hải - 10/11/2024 11:16
 
Việc siết quản lý hàng nhập khẩu nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong thời gian Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử chưa được ban hành.

Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu Cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt và chỉ đạo các đơn vị thuộc cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.

Việc này nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong thời gian Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử chưa được ban hành.

Cụ thể, Chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện đầy đủ, đúng quy định các bước trong quy trình thủ tục hải quan, đặc biệt là đối với các lô hàng vận chuyển độc lập từ cửa khẩu nhập về các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh.

Không thực hiện thủ tục hải quan đối với các tờ khai vận chuyển độc lập không khai thông tin về tên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tên website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng;

Hoặc có khai thông tin website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng nhưng các website, ứng dụng này chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử tại trang online.gov.vn của Bộ Công thương.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra xác định trị giá hải quan, tập trung thu thập thông tin, phân tích, phân tích, xác định các trường hợp có dấu hiệu chia tách hàng hóa thành nhiều gói kiện nhỏ hoặc miễn kiêm tra chuyên ngành.

Trường hợp phát hiện có hành vi lợi dụng khai sai trị giá để trốn thuế, né chính sách kiểm tra chuyên ngành thì xử lý vi phạm theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ. Trong đó, tập trung kiểm tra các nhóm hàng hóa nhập khẩu là thực phẩm và thực phẩm chức năng; linh kiện/phụ kiện điện tử, điện tử gia dụng, mỹ phẩm, hàng thời trang, dược phẩm, sữa bột; quần áo; giày dép; túi xách; đồng hồ; nữ trang; đồ chơi trẻ em; linh kiện, thiết bị và các phần rời của ô tô, xe máy, máy vi tính.

Tăng cường kiểm tra, giám sát về chủng loại, số lượng tránh lợi dụng hàng thương mại điện tử được đóng gói kín theo từng kiện, túi nhỏ để buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

"Các chi cục Hải quan soát toàn bộ các kho do doanh nghiệp chuyển phát nhanh thuê tại các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh đang hoạt động. Nếu không duy trì đảm bảo điều kiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan thì báo cáo cấp có thầm quyền đề chấm dứt hoạt động và thu hồi mã kho", Tổng cục Hải quan yêu cầu.

Thời gian qua, lượng hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử đang tăng mạnh. Đã xuất hiện một số sàn thương mại điện tử mới bán hàng giá rẻ chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, hoặc chưa được thông báo trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương.

Từ đó tiềm ẩn rủi ro về nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc lợi dụng chính sách để trốn thuế.

Thực hiện vai trò quản lý các sàn thương mại điện tử nước ngoài vào Việt Nam, Thứ trưởng Công thương Nguyên Hoàng Long cho biết, Bộ này đã làm việc với đại diện của Sàn Thương mại điện tử xuyên biên giới Temu, Shein và yêu cầu phải hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh trong tháng 11/2024.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng yêu cầu Temu và Shein phải thông báo chính thức trên các ứng dụng với người tiêu dùng Việt Nam về việc đang thực hiện đăng ký hoạt động.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư