Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 01 tháng 08 năm 2024,
Hạn chế logistics gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ
Gia Huy - 01/08/2024 07:48
 
Là vùng tập trung quy mô hàng hoá xuất khẩu bậc nhất cả nước nhưng hiện nay Đông Nam Bộ lại có dấu hiệu chững lại, thậm chí là sụt giảm trong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Hạn chế về logistics được coi là trở ngại hàng đầu.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì logistics

Xuất khẩu được coi là thế mạnh của vùng Đông Nam bộ, song theo các doanh nghiệp vấn đề gây cản trợ sự tăng trưởng lĩnh vực này hiện nay lớn nhất là câu chuyện về đầu tư hạ tầng, chi phí logistics.

Hạn chế về logistics được coi là cả trở hàng đầu với doanh nghiệp Đông Nam Bộ.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM chia sẻ, vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp thuộc hội này phần lớn ở vùng Đông Nam Bộ. Doanh nghiệp muốn thu mua hàng hóa giá tốt, giảm chi phí phải xây dựng kho bãi ở những vùng liên kết này. Tuy nhiên việc đầu tư hệ thống kho lạnh, hạ tầng logistics mang tính bền vững, dòng vốn lớn thu hồi chậm. Thế nên nếu không có chính sách hỗ trợ, việc đầu tư không hiệu quả khiến không mạnh dạn đầu tư.

“Hiện nay, cơ sở hạ tầng logistics, nhất là hệ thống kho lạnh, kho bảo quản tại khu vực Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển và lưu trữ hàng hóa đối với ngành lương thực, thực phẩm nói riêng và các ngành sản xuất chế biến nói chung”, bà Chi thẳng thắn nhìn nhận.

Tương tự, bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội logistics TP.HCM nhận định, hiện nay vùng này vẫn thiếu hệ thống hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bãi. 

“Vùng Đông Nam Bộ cần có các trung tâm logistics được đầu tư bài bản bởi Chính phủ do giá đất đai hiện nay tăng cao. Theo bà Phương, chi phí logistics của một số nước 10%-12%, trong khi Việt Nam rất cao 18% nhưng thực tế có thể là 20%/GDP”, bà Phương nói.

Là địa phương có lợi thế bậc nhất về logistics của khu vực nhưng theo ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng tâm tư nhiều về phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn nói riêng và khu vực nói chung.

Theo ông Danh, để vùng có các doanh nghiệp logistics quy mô hơn nữa, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, đặc biệt, là hướng dẫn chi tiết về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai, thực hiện.

Ngoài ra, đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc thực hiện Đề án “nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”.

Chưa khai thác hết lợi thế xuất khẩu

Ngoài hạn chế về vấn đề hạ tầng logistics, phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển vùng Đông Nam bộ sáng ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng chỉ rõ, Đông Nam Bộ còn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết như: tốc độ phát triển của vùng thời gian qua chưa tương xứng so với tiềm năng; đóng góp của vùng trong GDP cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thế còn đang rất nhiều, chưa khai thác hết.

Theo bà Thắng, Đông Nam Bộ chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. 

Hiện nay hàng hóa xuất khẩu của vùng này đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean…Tuy nhiên lại phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm.

“Phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý; chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực. Thêm vào đó, mối quan hệ vùng và liên kết vùng trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu chưa được quan tâm thỏa đáng”, Thứ trưởng Bộ Công thương nêu.

Theo bà Thắng, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng, Đông Nam Bộ cần phải thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Muốn vậy, vùng Đông Nam Bộ cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Nghị quyết số 24 đã xác định Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động sáng tạo đi đầu trong đổi mới và phát triển. Qua đó, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.

Theo ông Dũng, để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tìm kiếm giải pháp phát triển logistics bền vững qua hội nhập quốc tế
Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 hướng đến giải pháp cho một trong những thách thức cấp bách nhất hiện nay - logistics bền vững.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư