Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp liên kết để gỡ “nút thắt” ngành logistics
Lê Quân thực hiện - 18/07/2024 09:06
 
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần U&I Logistics, việc liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, hay giữa các doanh nghiệp logistics với các doanh nghiệp sản xuất là vô cùng quan trọng, chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn tới, để tạo ra một mạng lưới logistics mạnh mẽ và hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần U&I Logistics
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần U&I Logistics

Gần đây, vấn đề liên kết và hợp tác trong lĩnh vực logistics được nhắc đến với tần suất nhiều hơn. Là doanh nhân có nhiều năm gắn bó với ngành logistics, ông đánh giá thế nào về việc liên kết và hợp tác trong lĩnh vực này?

Thời gian qua, có khá nhiều hội thảo, diễn đàn bàn về liên kết vùng, trong đó có việc phát triển ngành logistics. Tôi nghĩ, đó là thông điệp đúng và cấp thiết. Ở thời điểm này, chúng ta không cần nói thêm về tầm quan trọng của logistics nữa. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics chiếm đến 20% GDP của Việt Nam, cao hơn so với mức trung bình 8-9% của các nước phát triển. Điều này cho thấy, việc tối ưu hóa chi phí logistics sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để giảm chi phí logistics, chúng ta phải tập trung vào việc xây dựng hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số và tối ưu hóa chi phí logistics. Những nội dung này đều cần đến sự liên kết của các doanh nghiệp trong ngành logistics.

Tại U&I Logistics, trách nhiệm bảo vệ môi trường luôn song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp. Nhận thức được điều này, U&I Logistics áp dụng nhiều giải pháp để hướng đến chuỗi cung ứng “xanh” như sử dụng điện mặt trời áp mái để cung ứng điện cho hệ thống máy kiểm soát độ ẩm trong toàn công ty, lắp đặt hệ thống đèn dùng năng lượng mặt trời để chiếu sáng toàn bộ hệ thống kho.

Đối với phương tiện vận tải, U&I Logistics sử dụng xe nâng chạy bằng điện để nâng hàng trong kho, giúp cải thiện môi trường. Ngoài ra, U&I Logistics triển khai phần mềm tối ưu hóa hành trình xe tải, giúp giảm thiểu chi phí xăng dầu, giảm phát thải, tăng thời gian hoạt động hữu ích của phương tiện.

Ở cấp độ vĩ mô, sự liên kết giữa các địa phương và các vùng trong việc phát triển hạ tầng logistics, tạo thuận lợi thương mại là rất quan trọng. Việc liên kết này sẽ giúp giảm bớt các trở ngại và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Còn ở cấp độ vi mô, liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Tôi chia sẻ với quan điểm rằng, gia tăng liên kết hợp tác trong logistics và chuỗi cung ứng có thể tạo điều kiện phát triển sản phẩm mới nhanh hơn, nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản phẩm và chuỗi cung ứng, cải thiện dịch vụ khách hàng. Chính vì thế, liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, hay giữa các doanh nghiệp logistics với các doanh nghiệp sản xuất là vô cùng quan trọng và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn tới.

Kho ngoại quan của U&I Logistics tại KCN Nam Tân Uyên (Bình Dương)
Kho ngoại quan của U&I Logistics tại KCN Nam Tân Uyên (Bình Dương)

Như ông nhận định, việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành logistics sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới, giảm chi phí trong chuỗi cung ứng. Hiện tại, vấn đề hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam ra sao, thưa ông?

Liên kết và hợp tác trong lĩnh vực logistics không phải là nội dung mới tại Việt Nam. Giai đoạn sau đổi mới, Việt Nam đã có những liên doanh rất thành công trong lĩnh vực đại lý và khai thác tàu container như Gemartrans, APM-SaigonShip, Centenary Shipping. Đây là những ví dụ điển hình về việc hợp tác thành công nhờ vào quy định của pháp luật.

Theo thời gian, Việt Nam ngày càng đi xa hơn trên tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự liên kết và hợp tác trong logistics đã đạt được những thành tựu lớn hơn, có sự đa dạng rõ rệt hơn. Lĩnh vực logistics hiện nay ghi nhận nhiều cái “bắt tay” giữa những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam với các tập đoàn lớn, cả trong nước lẫn nước ngoài. Ví dụ Tân Cảng Sài Gòn hợp tác toàn diện với Viettel, cảng Phnôm Pênh, Texhong; Gemadept bắt tay với CJ Logistics; Minh Phương lập liên doanh với Samsung SDS; ITC xây dựng liên doanh với hãng tàu lớn thứ 3 thế giới CMA CGM; Indo Trần (ITL) hợp tác với Keppel, Bamboo Airways Cargo, Flexport.

Có thể thấy, các doanh nghiệp lớn đều ý thức rất rõ về tầm quan trọng của việc liên kết và hợp tác trong hoạt động logistics và đã có động thái cụ thể để mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tôi chưa ghi nhận sự liên kết và hợp tác lan tỏa sang các doanh nghiệp ở quy mô nhỏ hơn. Tôi đánh giá, những doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa vẫn có nhiều nguồn lực, giá trị để hợp tác với nhau, nhằm tạo ra các dịch vụ chuyên biệt và tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp vận tải nhỏ hợp tác để cùng sử dụng chung hạ tầng, chia sẻ nguồn lực, tận dụng khả năng điều phối, chia sẻ hàng hai chiều nhằm tối ưu hóa chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Những liên kết này giúp họ tạo ra sức mạnh tổng hợp để khai thác thị trường logistics Việt Nam, một thị trường vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.

Tôi tin rằng, nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể liên kết được với nhau và với các doanh nghiệp lớn hơn, chúng ta sẽ tạo ra một mạng lưới logistics mạnh mẽ và hiệu quả, giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.

Vậy chắc hẳn, U&I Logistics đã có những bước đi cụ thể trong việc phát triển sự liên kết và hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành logistics, thưa ông?

Đối với U&I Logistics, chúng tôi phát triển từ vùng đất Bình Dương, nơi được xem là thủ phủ công nghiệp của cả nước và là nơi tập trung nhiều dịch vụ logistics. Từ đây, U&I Logistics phát triển thành nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế với nhiều đối tác lớn cả trong và ngoài nước. Chúng tôi không thể đạt được những thành tựu này nếu không có sự hợp tác chặt chẽ với khách hàng để hiểu rõ nhu cầu đặc thù của từng thương hiệu, từng nhà máy, từng mặt hàng cụ thể. Kho ngoại quan phục vụ ngành sản xuất và phân phối đồ gỗ gia dụng của U&I Logistics hiện là một trong những kho lớn nhất Đông Nam Á, minh chứng cho hiệu quả của việc liên kết và hợp tác.

Năm 2023 là năm chứng kiến U&I Logistics phát triển mạnh mẽ mạng lưới đối tác. Chúng tôi đã hợp tác sâu rộng trong khai thác dịch vụ logistics nông sản cùng Công ty cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương, hợp tác chiến lược cùng Công ty cổ phần Logistics quốc tế Cái Mép (CAMIL) về phát triển khu phi thuế quan tại Cái Mép và hợp tác chiến lược trong dịch vụ vận tải đường sắt cùng Công ty Vận tải đường sắt Việt Nam (TRV).

Ngoài ra, U&I Logistics cũng mở rộng mạng lưới văn phòng để kết nối và tạo ra nhiều cơ hội tiềm năng để thúc đẩy logistics cả nước. Hiện tại, U&I có mặt tại tất cả các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam như tại Bắc Bộ (6 văn phòng), Trung Bộ (1 văn phòng), Nam Bộ (8 văn phòng) và Đồng bằng sông Cửu Long (1 văn phòng).

Tại U&I Logistics, việc liên kết không chỉ dừng lại ở hoạt động kinh doanh. Một khâu quan trọng trong phát triển ngành logistics tại Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao. Gần đây, U&I Logistics liên kết với các trường đại học, cao đẳng để mang ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành đến gần hơn với các bạn sinh viên một cách bài bản và khoa học. Chúng tôi tạo điều kiện cho các em học tập thực tế tại doanh nghiệp qua nhiều hình thức như thực tập, tham quan và dự án hợp tác.

Chúng tôi tin rằng, chỉ khi nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thì mới có thể đáp ứng nhu cầu lao động trong ngành logistics, một ngành đang rất thiếu nhân lực. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà trường, hiệp hội và các cơ quan khác. Việc phát triển nguồn nhân lực không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của U&I Logistics, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành logistics Việt Nam.

Quảng Trị phát triển logistics từ các hành lang kinh tế
Với vị trí chiến lược, Quảng Trị được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư