Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hàn Quốc quyết định thời điểm nộp đơn gia nhập CPTPP
Thế Hoàng - 17/04/2022 09:50
 
"Sức hút" của Hiệp định CPTPP ngày càng lớn khi có thêm nhiều nền kinh tế bày tỏ nguyện vọng được gia nhập Hiệp định này, mới nhất là Hàn Quốc đã quyết định gia nhập CPTPP.
Hàn Quốc đã quyết định gia nhập CPTPP tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
Hàn Quốc đã quyết định gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Hàn Quốc quyết định gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh nước này tìm cách đa dạng hóa danh mục xuất khẩu khi bất ổn của nền kinh tế đang gia tăng. Kế hoạch tham gia CPTPP đã được chấp thuận trong một cuộc họp liên bộ trưởng với các vấn đề kinh tế.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ chính thức đệ đơn xin gia nhập sau khi hoàn tất các thủ tục trong nước, bao gồm báo cáo lên Quốc hội.

CPTPP được ký kết vào 8/3/2018 tại Santiago, Chile và chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2018  với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến nay thời gian thực thi Hiệp định này đối với Việt Nam đã bước sang năm thứ 4.

Hiệp định gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam.

Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; GDP chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 15% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Chính phủ Hàn Quốc cho biết có kế hoạch nộp đơn gia nhập CPTPP trước khi Tổng thống Moon Jae-in kết thúc nhiệm kỳ 5 năm ngày 9/5. Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol được kỳ vọng tham gia đàm phán về việc này. Quá trình được dự báo kéo dài ít nhất một năm.

Theo Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, việc tham gia CPTPP có thể thúc đẩy cả thương mại và đầu tư cho Hàn Quốc. GDP được dự báo tăng 0,33 - 0,35%.

Ngoài Hàn Quốc, một số quốc gia đã và đang có ý định gia nhập CPTPP. Đầu năm ngoái, Vương quốc Annh chính thức đề nghị gia nhập CPTPP để mở ra những con đường mới cho thương mại hậu Brexit. Tháng 6/2021, các thành viên Hiệp định thương mại CPTPP, trong đó có Việt Nam đã quyết định khởi động các cuộc đàm phán về đề nghị gia nhập CPTPP của Anh.

Tháng 12/2021, một quốc gia thuộc châu Mỹ Latinh là Ecuador cũng đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Lãnh đạo  Ecuador  cho biết ông muốn mở rộng thương mại với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Thái Lan cũng cho biết đã hoàn tất Báo cáo Nghiên cứu gia nhập CPTPP vào năm ngoái. Nội dung Báo cáo này chỉ ra ưu và nhược điểm từ việc gia nhập CPTPP đối với Thái Lan.

Theo các chuyên gia thương mại, sức hút của CPTPP đối với các quốc gia có nguyện vọng gia nhập thời gian gần đây không chỉ đến từ một khối liên minh kinh tế lớn thứ 3 thế giới mà còn đến từ các yếu tố khác, trong đó bao gồm lợi ích về xuất khẩu; lợi ích về việc tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; lợi ích về cải cách thể chế, về việc làm và thu nhập...

Đặc biệt, do Hiệp định CPTPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp các kinh tế  tăng trưởng bền vững hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư