Thứ Hai, Ngày 28 tháng 04 năm 2025,
Hãng kem đa dạng sản phẩm để giữ và mở rộng thị phần
Anh Hoa - 15/08/2019 22:05
 
Sự tăng trưởng ồ ạt của các thương hiệu kem ly nước ngoài cũng như các thương hiệu mới trong ngành khiến cạnh tranh tăng cao

CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods – UPCoM: KDF) vừa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng năm 2019. Theo đó, doanh thu thuần tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, với 937.6 tỷ đồng, chủ yếu nhờ nhóm sản phẩm kem. Lợi nhuận gộp tăng 35%, với 570.5 tỷ đồng và là mức tăng cao hơn so với mức tăng của doanh thu.

Bên cạnh đó, nhờ việc tái cấu trúc bán hàng và quản lý giúp lợi nhuận trước thuế đạt 155 tỷ đồng vượt kế hoạch cả năm mà Đại Hội Cổ Đông 2019 đặt ra là 150 tỷ đồng.

Theo KDF, các yếu tố dẫn đến tăng trưởng của ngành kem chủ yếu do xu hướng tiêu dùng tăng nhanh tại các kênh hiện đại (minimart) ở các thành phố lớn đã giúp KDF mở rộng kênh phân phối và độ phủ. So với cùng kỳ năm ngoái, độ phủ trên kênh hiện đại tăng 40%.

Ngoài ra, việc ra mắt các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và thời tiết thuận lợi cũng là điểm cộng với các nhà sản xuất.

KDF vừa tung sản phẩm Merino dưa hấu và sản phẩm Celano Smothie mới
KDF vừa tung sản phẩm Merino dưa hấu và sản phẩm Celano Smothie mới

Tuy nhiên, khi thị trường có sự tăng trưởng ồ ạt của các thương hiệu kem ly nước ngoài, các thương hiệu mới trong ngành cũng khiến cạnh tranh tăng cao.

Theo số liệu thống kê dự báo trên trang Statista, quy mô thị trường kem lạnh của Việt Nam năm 2019 ước đạt 74 triệu USD và giữ mức tăng trưởng kép hàng năm xấp xỉ 7,4% trong giai đoạn 2019 – 2023, cao hơn mức chung toàn thị trường đồ ngọt (4,8%).

Kem lạnh là mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tiêu biểu được Kantar Worldpanel nhắc tới bởi trong khi cả thị trường FMCG chỉ tăng 5,2% ở khu vực nông thôn (không kể 4 thành phố lớn) thì ngành hàng kem ghi nhận mức tăng trưởng gấp đôi và đạt mức tiếp cận người tiêu dùng cao nhất trong 3 năm qua. Tỷ lệ hộ mua tại khu vực nông thôn đạt 26,8%, cao hơn mùa cao điểm các năm trước đó.

Đa dạng sản phẩm là chiến lược mà nhiều hãng kem phải thực hiện để giữ và mở rộng thị phần. Các hãng kem nội địa có thể sáng tạo ra mặt hàng mới, tìm cách kết hợp hương vị mới hoặc đi theo những loại kem mới ở thế giới đã được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.

Trong năm 2018, Vinamilk cũng bổ sung thêm dòng kem tuýp Yolo, trong khi danh mục kem của Kido Foods  đã được bổ sung khá nhiều vào 2 năm trước với các sản phẩm kem chuối, kem cá, kem mochi… 

Ngoài ra, 2 dòng kem Milo và Kit Kat của Nestlé được nhập từ Thái Lan đang được khách hàng tiếp nhận tích cực. Đó là chưa kể đến sự hiện diện của nhiều thương hiệu kem ngoại khác tại Việt Nam, như BUDS, Baskin Robbins, Snowee, Swensens, Fanny, Monte Rosa, Cornetto, Paddle Pop, Haagen-Dazs, New Zealand Natural.

Thị trường kem nóng lên từng ngày
Trước 2003, thị trường kem Việt Nam chỉ có dấu ấn của sự kiện Kinh Đô mua lại thương hiệu Kem Walls từ Tập đoàn Unilever. Tuy nhiên, từ đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư