Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Hàng loạt dự án ngàn tỷ đồng đắp chiếu: Lãng phí phá nát thành quả kinh tế
Hà Nguyễn - 20/11/2015 08:27
 
Việc đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ về hàng loạt dự án ngàn tỷ đồng nằm đắp chiếu đang làm dấy lên mối quan ngại về tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn lực của nền kinh tế, đặc biệt trong đầu tư xây dựng công trình có vốn nhà nước.

Không chỉ làm “dấy lên”, có đại biểu Quốc hội còn thẳng thắn đặt câu hỏi với ba vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính về việc liệu có thể định lượng hóa những thất thoát, lãng phí này hay không?

Câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là có, nhưng chính xác là bao nhiêu thì khó. Ngay câu trả lời này của Bộ trưởng đã cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề và thực tế, bản thân Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, thất thoát, lãng phí là rất lớn, là nghiêm trọng và chưa thể kiểm soát được.

.
Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ về hàng loạt dự án ngàn tỷ đồng nằm đắp chiếu đang làm dấy lên mối quan ngại về tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn lực của nền kinh tế

Lãng phí là khi Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng vẫn nằm đắp chiếu sau gần 10 năm thực hiện. Lãng phí là khi Dự án Polyester ở Hải Phòng, vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, nhưng riêng năm 2014 đã lỗ 1.000 tỷ đồng và đang dừng hoạt động. Là ký túc xá hàng trăm tỷ đồng được xây ở Lâm Đồng, nhưng chỉ có một sinh viên đến ở, hay dự án cầu treo mấy tỷ đồng được khánh thành mà chỉ có hai hộ dân sử dụng…

Không phải chỉ vốn đầu tư xây dựng cơ bản bị lãng phí, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước cũng lãng phí. Đi học nước ngoài mà không hiệu quả cũng là lãng phí, mua sắm công có gửi giá cũng là thất thoát. Cũng không phải chỉ thi công công trình mới có thất thoát, lãng phí, có khi ngay từ khâu lập dự án, thẩm định đã lãng phí. “Đội” dự toán lên để ăn chia chênh lệch, đó không chỉ là thất thoát, lãng phí, mà còn là tham nhũng.

Con số mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra thật đáng lưu tâm. Đó là chỉ qua kiểm tra các dự toán ban đầu, các địa phương, các ngành đã cắt giảm được 9,2% trong năm 2013; 5,39% trong năm 2014 và lên tới 5,66% trong 9 tháng đầu năm 2015 tổng dự toán công trình trình để cơ quan nhà nước thẩm định, sau đó đưa vào đấu thầu. Tính chung, đã cắt giảm dự toán trên 5%.

Chưa kể, giai đoạn năm 2011 - 2015, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố 267 kết luận và ban hành 189 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị xử lý về kinh tế với số tiền 3.300 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 82.000 tỷ đồng. Đây mới là con số kiểm tra ở một số công trình chứ không phải tất cả.

Thất thoát, lãng phí ở đấy chứ đâu xa! Chỉ một phần dự án do Bộ Xây dựng quản lý đã vậy. Hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về việc ở các bộ ngành khác, các địa phương ra sao? Một con số hẳn nhiên là rất lớn. 

Chỉ thất thoát, lãng phí ở vài ba dự án ngàn tỷ nói trên tính ra cũng đã hơn 1 tỷ USD. Thế nên, ICOR mới cao, hiệu quả đầu tư mới thấp. Thế nên, bội chi mới lớn và áp lực nợ công cũng ngày càng lớn, bởi Việt Nam vẫn phải đi vay và đi vay lớn để đầu tư, chứ đâu đã có tiết kiệm để đầu tư. Thế nên, mới phải lập kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế để cơ cấu lại nợ, trong khi chỉ cần không đầu tư một vài dự án “đắp chiếu”, hoặc đầu tư hiệu quả các dự án này thì đã dư ra ngân khoản không nhỏ.

Ráp nối các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội, càng thấy một bức tranh đáng quan ngại về những dự án ngàn tỷ nằm đắp chiếu và sự thật về sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư sử dụng vốn nhà nước.

Dù như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nói là “không đơn giản để định lượng chính xác thất thoát, lãng phí”, nhưng chỉ một vài ráp nối như vậy đã cho thấy tình hình đang nghiêm trọng. Và cũng đúng như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, dù không đơn giản, nhưng phải lượng hóa được những thất thoát, lãng phí đó, phải siết chặt việc quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, phải thẩm định chặt, đấu thầu tốt, thi công đảm bảo.

Phải làm, nếu Việt Nam muốn phát triển, bởi thất thoát, lãng phí và tham nhũng có thể “phá nát” thành quả của nền kinh tế. Cũng cần phải nhắc lại câu chuyện năm xưa, khi Hồ Chủ tịch xử Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu, vì tham lam đã giở trò ăn cắp công quỹ, bớt 2 tấc vải xô mỗi cái màn, bớt bông lót làm áo trấn thủ cho bộ đội. Tòa án binh tuyên xử tử hình, Trần Dụ Châu làm đơn xin tha tội chết, nhưng Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay, khi chúng ta cần cương quyết với tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

Thị trường bất động sản TP.HCM: Hơn 500 dự án ngắc ngoải vì thiếu vốn, vướng đền bù
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), TP.HCM hiện có 502 dự án bất động sản (BĐS) đang ngừng thi công và chưa khởi công, chiếm 41,18% số dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư