Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Hàng trăm thương lái đổ xô mua cau non bán sang Trung Quốc
Trí Tín (Vnexpress) - 24/08/2015 08:06
 
Còn hơn một tháng nữa mới vào vụ thu hoạch nhưng hàng trăm thương lái đã đổ về các huyện vùng cao Quảng Ngãi, thu mua cau non với giá cao gấp ba lần năm ngoái để bán sang Trung Quốc.

Sau nhiều năm rớt giá, rừng cau bạt ngàn ở huyện Sơn Tây gần đây chứng kiến thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua trái non với giá cao chưa từng có. 

 

Anh Đinh Văn Hà (ngụ xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây) cho hay, giữa tháng 9 hàng năm mới là vụ thu hoạch. "Không hiểu sao, vụ cau năm nay mới giữa tháng 8 mà thương lái đã về tận nhà dân thuyết phục bà con hái cau non bán cho họ", anh nói. 

 

Dọc tuyến đường từ huyện Sơn Hà về Sơn Tây, nhiều điểm đặt bảng giá thu mua cau với giá dao động từ 14.000 đến 16.000 đồng một kg. Bà Đinh Thị Lành (ngụ xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây) cho biết thêm, nếu như chính vụ năm ngoái, mỗi kg cao nhất chỉ bán được 5.000 đồng thì nay thương lái mua cau non với giá cao gấp ba lần. 

 

Các thương lái đi xe máy về tận các bản, làng vùng cao Quảng Ngãi thu mua cau non. Họ cũng chưa lý giải được vì sao phía Trung Quốc mua trái cau non với giá cao bất thường so với các năm trước. 

 

UBND xã Sơn Mùa xác nhận, giá cau tăng đột biến nên hầu hết người dân địa phương đã hái sạch cau non bán cho thương lái. "Nếu như những năm trước, cau bị bỏ chín rục trên cây thì năm nay là lần đầu tiên người dân bán được cau non với giá cao", Phó chủ tịch Đinh Văn Cường nói. 

 

Ông Bùi Đức Thạch - Chủ tịch UBND xã Sơn Dung thống kê, huyện Sơn Tây từ lâu đã được ví là "vương quốc cau", trong đó người dân xã Sơn Dung trồng nhiều cau nhất. Toàn xã còn khoảng 60 ha cau lâu năm, trong đó hộ trồng ít nhất vài trăm cây, nhiều nhất 6.000 cây.

"Những năm trước do giá cau rẻ bèo, nhiều hộ dân nơi đây chặt bỏ bớt để trồng cây keo, mì. Giờ đây, giá cau tăng vọt trở lại, nhiều gia đình thấy tiếc vì thất thu lớn", ông Thạch thổ lộ. 

 

Xe tải thu mua cau ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi chở về lò hấp sơ chế. Theo các thương lái, trung bình mỗi ngày họ thu mua ít nhất 300 kg cau non bán lại cho chủ lò. 

 

Lò hấp cau ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây. Trước tình trạng thương lái, ồ ạt thu mua cau non, các huyện vùng cao Quảng Ngãi đã yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, tuyên truyền người dân tránh gây ảnh hưởng lâu dài cho sản phẩm cau Quảng Ngãi. 

 

Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, chủ lò hấp cau ở huyện Sơn Tây nhẩm tính, cau tươi được mua về phải luộc chín, sấy khô rồi đóng bao xuất. Khác với những năm trước, phía Trung Quốc hiện có nhu cầu tiêu thụ cau tăng đột biến để chế biến thành kẹo. Do vậy, giá cả đắt đỏ gấp ba lần so với năm ngoái. 

 
Những thủ đoạn của thương lái Trung Quốc gây nhiễu loạn thị trường Việt Nam
Liên tiếp có hành động khó hiểu khi giao thương tại thị trường Việt Nam, khi thì mua nông sản lạ, lúc lại thao túng, đẩy giá lên cao… thương lái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư