Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Hàng Việt xuất khẩu sang Nga có nguy cơ sụt giảm
Thế Hải - 26/12/2014 09:29
 
() Trong năm 2015, xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, bởi đồng ruble của Nga bị mất giá, nhưng mức độ nhiều hay ít còn tùy thuộc vào từng ngành hàng.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Khơi dòng tiềm năng xuất khẩu sang Nga
Cần làm gì để xuất khẩu sang Nga thành công?
Cơ hội vàng đưa hàng Việt sang Nga

Gạo, thuỷ sản… bị ảnh hưởng lớn 

Từ đầu năm đến nay, việc đồng ruble mất hơn 50% giá trị so với USD đang trở thành thách thức lớn đối với các DN xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường Nga. Dự báo, trong năm tới, thủy sản, điện thoại và linh kiện, gạo, cà phê… vốn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Nga có nguy cơ bị giảm giá trị xuất khẩu, bởi đồng ruble giảm giá so với USD, euro, nên sản phẩm nhập khẩu vào Nga sẽ bị đội giá, người dân giảm chi tiêu, khiến các nhà nhập khẩu Nga giảm mua hàng từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Hàng Việt xuất khẩu sang Nga có nguy cơ sụt giảm
Năm 2015, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang Nga chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do đồng ruble Nga mất giá

Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga nhận định, trong  bối cảnh đồng ruble bị mất giá, thì lượng hàng Nga nhập khẩu sẽ bị hạn chế ở mức độ nhất định.

Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ An Đình (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) có giá trị xuất khẩu nông sản, chủ yếu là gạo sang Nga khoảng 1 triệu USD/năm, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của DN. Đại diện DN này cho hay, hiện tại, đối tác Nga đã dừng ký hợp đồng mới cho năm 2015 và năm tới sẽ là một năm rất khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2014, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Nga đã giảm tới 74% so với cùng kỳ năm 2013.

“Về tổng thể, khi đồng ruble yếu, người dân Nga phải chi trả nhiều hơn cho một sản phẩm so với trước đây, nên họ sẽ phải điều chỉnh chi tiêu, có thể chuyển sang mua hàng chất lượng thấp hơn và các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu tâm đến điều này”, ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty cổ phần May 10 nhận xét và cho biết thêm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2014 sang Nga ước đạt 130 triệu USD, thấp hơn so với các mặt hàng linh kiện điện tử, thủy sản…, nên sự lo ngại của DN dệt may có phần nhẹ hơn các ngành khác.

Rủi ro trong thanh toán

Không chỉ lo ngại về khả năng giảm kim ngạch xuất khẩu, mà nhiều DN còn e ngại rủi ro gia tăng trong thanh toán khi làm ăn với đối tác Nga. Các đối tác Nga chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi mua USD để thanh toán các đơn hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT CTCP Secoin cho rằng, về nguyên tắc, khi đồng ruble mất giá,  khách hàng Nga sẽ gặp khó khăn trong thanh toán, song mức độ còn tuỳ thuộc vào từng mặt hàng nhập khẩu.

Do nhà nhập khẩu Nga phải dùng ruble mua USD để thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nên sẽ không tránh khỏi tình trạng thanh toán chậm, ảnh hưởng đến dòng tiền của DN Việt Nam.

Ở một góc độ khác, lạc quan hơn, một số DN cho rằng, đồng ruble yếu, người tiêu dùng Nga sẽ hạn chế mua những mặt hàng cao cấp, hàng giá trị cao, nhưng  Nga vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu có giá thấp cho tiêu dùng trong nước. Đây là cơ hội cho những mặt hàng tiêu dùng có giá cả hợp lý của DN Việt Nam.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Các nhà DN Việt Nam tại Liên bang Nga, dù Nga đang gặp khó khăn, nhưng đây vẫn là thị trường tiêu thụ tiềm năng đối với các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam, như  thủy sản, dệt may… Điều quan trọng là, dù có giá trị cao, hay thấp, hàng hóa đều phải đảm bảo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu và DN cần chủ động, linh hoạt trong đàm phán, thương lượng để hài hòa lợi ích, chia sẻ với khách hàng ở mức cao nhất có thể, để nhận lại sự “trung thành” từ các nhà nhập khẩu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư