Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Hành trình từ vùng đất mới đến thành phố năng động nhất quốc gia
TS. Nguyễn Minh Hòa - 01/05/2025 11:26
 
Không chỉ là thành phố đông dân nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, TP.HCM còn là thành phố năng động nhất, sáng tạo nhất của quốc gia và của cả khu vực. Đây là kết quả của quá trình tích tụ tập trung, chọn lọc, đào thải, kế thừa, nhân rộng của nhiều thế hệ qua suốt chiều dài lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của TP.HCM.
TP.HCM - thành phố năng động nhất của quốc gia và của cả khu vực.  Ảnh: Lê Hoàng Mến

Những giá trị trong hành trang của Sài Gòn - TP.HCM

Bất cứ thành phố lớn nào đều có lịch sử phát triển lâu dài. Đó là quá trình tích tụ dân số, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng thiết chế hành chính và quan trọng nhất là hình thành các giá trị xã hội mang tính cốt lõi để người dân và chính quyền tựa vào đó mà vững bước đi lên.

Phát triển là một tiến trình, có lúc thăng, lúc trầm, có những biến cố bất thường về tự nhiên, có những xung đột chính trị và quân sự làm tổn hại đến cơ sở vật chất - kỹ thuật cũng như con người. Dù thành phố của ngày hôm nay có như thế nào, thì nó vẫn là sản phẩm của tiến trình lịch sử do hàng triệu triệu người và biết bao thế hệ chung tay tạo nên. 

Trong dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM, ngài Henry Chabert, Phó thị trưởng TP. Lyon (Pháp) đã trân trọng viết lời tựa cho cuốn sách “Sài Gòn 1698 - 1998: Kiến trúc, quy hoạch” với những dòng chữ cảm động: “Thành phố này, nói cho cùng, là một ký ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng đồng thời cũng nói lên bao niềm ước vọng”.

Thật khó để kể hết những điều mà tiền nhân làm được trong quá khứ qua một bài viết ngắn, nhưng chúng ta có thể tổng kết được những giá trị vượt trội trở thành di sản tinh thần mà các thế hệ kế tiếp nhau bồi đắp cho hôm nay.

Thứ nhất, Sài Gòn - TP.HCM là nơi đa dạng về văn hóa và xã hội đô thị cao nhất cả nước. Tính chất này đã làm cho bức tranh văn hóa của TP.HCM có nhiều màu sắc và con người của Thành phố tiếp thu sự ưu việt cũng như hạn chế của các nền văn hóa khác nhau để bổ sung, làm cho văn hóa của Thành phố trở nên giàu có hơn. Đa dạng văn hóa không chỉ có ý nghĩa tinh thần, mà chính là động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, TP.HCM hình thành nền kinh tế thị trường hàng hóa và dịch vụ sớm nhất trong cả nước. Nền kinh tế thị trường giúp thành phố này phát triển nhanh chóng, nhưng không chỉ có thế, nó góp phần đào luyện con người của Thành phố trở nên năng động, sáng tạo, nhạy bén, thực tế và thực dụng tích cực.

Thứ ba, TP.HCM là nơi tiếp thu nhanh chóng và sớm nhất các thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới của phương Tây và áp dụng chúng thành công vào bối cảnh của Thành phố. Khoa học - kỹ thuật và công nghệ không chỉ được được đưa vào sản xuất, dịch vụ, đời sống, mà còn được đưa vào trong hệ thống quản lý đô thị. Chính nhờ yếu tố này mà TP.HCM đã có những bước tiến nhanh chóng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ tư, TP.HCM tiên phong và nhanh chóng hình thành nền tảng công nghiệp theo hướng hiện đại. Công nghiệp của TP.HCM phát triển theo hướng công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng, hướng đến thị trường xuất khẩu. Nền công nghiệp hướng đến thị trường, linh hoạt, năng động không chỉ mang lại cho xã hội khối lượng hàng hóa lớn, mà còn góp phần hình thành lối sống văn minh, tác phong công nghiệp.

Bốn yếu tố này được hình thành rất sớm và được duy trì, phát huy suốt chiều dài vận động của lịch sử Thành phố. Có lúc mạnh, lúc yếu, nhưng về cơ bản, những yếu tố này luôn đóng vai trò chủ đạo và mạnh mẽ, giúp TP.HCM khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới.

Không bao giờ chùn bước

Từ năm 1975 đến nay, TP.HCM đã trải qua nhiều giai đoạn rất khó khăn. Đó là hệ quả tàn khốc của chiến tranh, chiến tranh biên giới Tây Nam, khủng hoảng kinh tế kéo dài 10 năm (1975 - 1986), tiếp đó là khủng hoảng tài chính châu Á (1997 - 2012) và hiện nay là khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trừ 2 năm đại dịch Covid-19 khiến TP.HCM gần như tê liệt, trong tất cả những năm tháng còn lại, người dân thành phố này chưa bao giờ chịu bó tay trước bất cứ thử thách nào.

Từ thực tiễn phát triển của TP.HCM, kho từ điển tiếng Việt có thêm những từ, những khái niệm hoàn toàn mới, như xé rào, bứt phá, thành phố trong thành phố, đổi đất lấy hạ tầng… TP.HCM được coi là “phòng thí nghiệm” sống động nhất của các nước; là nơi xây dựng, kiểm nghiệm các mô hình trước khi lan tỏa ra các địa phương khác trên cả nước.

Còn nhớ, vào những năm khó khăn nhất sau 1975, TP.HCM rơi vào tình trạng thiếu thốn trăm bề. Chính lúc ấy, mới thấy sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây. Với tinh thần “biến không thành có”, với sự sáng tạo vô song, họ đã làm ra hàng ngàn chủng loại hàng hóa phục vụ đời sống theo cách thủ công từ những nguyên vật liệu không nơi nào trên thế giới sử dụng.

Những người lớn tuổi làm sao quên được chuyến xe đò đường dài chạy từ Sài Gòn đến Cà Mau bằng than củi; cả Thành phố, đâu đâu cũng nuôi heo, gà, chim cút... Người Sài Gòn làm ra sản phẩm không chỉ cung cấp cho Thành phố, mà còn cung ứng cho cả nước.

Bằng sự tìm tòi, sáng tạo, chính nơi này đã cho ra đời những cái gọi là đầu tiên, để rồi sau này được nhân rộng ra cả nước. Đó là khu chế xuất đầu tiên, trường đại học tư nhân đầu tiên, bệnh viên tư đầu tiên, ngân hàng tư nhân đầu tiên, sàn chứng khoán đầu tiên, tòa nhà cao nhất đầu tiên, hầm chui qua sông đầu tiên, cầu vượt bộ hành đầu tiên, đường hoa đầu tiên, đường sách đầu tiên, nhà hát tư nhân đầu tiên, chợ đêm đầu tiên… và cả những chính sách đầu tiên như BOT, nhà tình nghĩa, hiến đất mở đường…

Danh sách những điều đầu tiên đó, nếu liệt kê, thì còn kéo dài hơn nữa, dường như không bao giờ hết, bởi nó liên tục xuất hiện theo bối cảnh xã hội, như quán cơm 0 đồng, nước uống vỉa hè miễn phí, tủ bánh mì miễn phí, tủ quần áo miễn phí tự chọn, ATM gạo, xe cứu thương miễn phí, xe hút đinh tự nguyện, hiệp sĩ đường phố... Những sáng kiến này đã tạo hiệu ứng lan tỏa ra khắp cả nước.

Lần giở lại lịch sử, hơn 300 năm trước, vùng đất này thưa vắng người, những người đầu tiên đến đây đều là những người trẻ, khỏe, dũng cảm và tài năng. Cứ thế, các thế hệ kế tiếp nhau để cùng kiến tạo, chọn lọc, hun đúc, mài dũa, tạo nên tính cách hào sảng, cởi mở, nghĩa hiệp và sáng tạo của người dân TP.HCM, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tìm cách vượt qua, tiến về phía trước. Tinh thần này lan tỏa trong xã hội, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của Thành phố. Chính vì thế, mà tính cách người Sài Gòn không phải chỉ là sản phẩm riêng của người có gốc gác Nam bộ, mà dường như tất cả những ai đến sống, làm việc ở đây một thời gian đều chịu ảnh hưởng của lối sống, phong cách đó.

Mỗi nhóm người đều mang đến đây sự đặc sắc từ quê hương của họ và cố gắng làm cho nó trở nên ưu trội hơn so với nơi xuất xứ. Ở TP.HCM, chúng ta có thể tìm thấy cả thế giới, cả quốc gia, từ thắng cố đến pizza, từ flamenco đến dân ca quan họ. Và hơn thế nữa, ai cũng thấy cần phải thay đổi, điều chỉnh, cần phải sống tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho thành phố cưu mang mình. Những điều ưu trội đều dồn về đây, bởi vậy, thành phố này luôn trẻ trung, tràn đầy năng lượng tích cực và năng động.

Vai trò đầu tàu kinh tế của vùng Nam bộ

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cả nước còn 34 đơn vị, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM, lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP.HCM.

TP.HCM hợp nhất có diện tích 6.776 km2, dân số khoảng 13 triệu  người. Có thể nói, đây là một đại đô thị vào hàng lớn nhất thế giới.

Thực hiện hợp nhất, thời gian đầu, TP.HCM sẽ gặp khó khăn về công tác quản lý, nhưng nếu biết phát huy tiềm năng, thì đây sẽ là vùng kinh tế năng động nhất và mạnh nhất cả nước, bởi sự hợp nhất này mở ra không gian phát triển rộng lớn, đa dạng, khơi thông nguồn lực, mang lại nhiều động lực phát triển mạnh mẽ.

Có một thực tế là, hiện nay, nhiều yếu tố như nhân công giá rẻ, giao thông thuận tiện… không còn là lợi thế cạnh tranh của TP.HCM. Đặc biệt, quỹ đất lớn, giá phải chăng tại TP.HCM hầu như đã cạn kiệt. Vì thế, việc mở rộng địa giới hành chính từ 2.100 km2 lên gần 6.800 km2 cho phép TP.HCM mở rộng không gian kinh tế - xã hội rộng lớn và đa dạng.

Trong đó, phải kể đến sự đồng bộ về  hạ tầng cơ sở kỹ thuật, không giới hạn bởi ranh giới hành chính. Trên toàn bộ khu vực 6.800 km2, hạ tầng giao thông được thống nhất theo cùng một tiêu chuẩn kỹ thuật, việc đầu tư các dự án giao thông trọng điểm như metro, đường sắt, đường cao tốc, sân bay, bến cảng được thu về một mối, tăng sự chủ động về vốn, vật tư, thiết bị và nhân lực.

Việc hợp nhất sẽ gia tăng sức mạnh và vị thế của TP.HCM, hình thành 3 vùng kinh tế với 3 thế mạnh khác nhau. TP.HCM (theo địa giới cũ) là trung tâm tài chính và dịch vụ. Bình Dương (cũ) là trung tâm công nghiệp, còn Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) là khu du lịch, nghỉ dưỡng và vận tải biển. Cả 3 bổ sung cho nhau, làm gia tăng tính đa dạng của vùng kinh tế trọng điểm. Đặc biệt, sau khi thực hiện sáp nhập, quy mô kinh tế của TP.HCM mới có thể chiếm tới gần 30% GRDP của cả nước. 

Năm mươi năm là khoảng thời gian không dài so với lịch sử của TP.HCM, nhưng đó là 50 năm đáng tự hào của chính quyền và nhân dân Thành phố.

Khoảnh khắc máy bay trực thăng mang cờ Tổ quốc bay vào trung tâm TP.HCM
Những chiếc trực thăng Mi-171, Mi-17, Mi-8 từ sân bay Biên Hòa với sứ mệnh đặc biệt - mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay vào trung tâm TP.HCM chào mừng 50...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư