Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Hãy cứu doanh nghiệp xuất khẩu khỉ hiếm hoi của Việt Nam
Ngô sơn - 21/09/2023 10:03
 
Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát (TP.HCM) là một trong 3 doanh nghiệp của Việt Nam gây nuôi xuất khẩu khỉ đuôi dài cho nghiên cứu vắc-xin được Cites cấp phép. Hiện doanh nghiệp có nguy cơ bị đẩy tới bờ vực phá sản.
Khỉ đuôi dài xuất khẩu tại trại nuôi của Công ty Phúc Lộc Phát
Khỉ đuôi dài xuất khẩu tại trại nuôi của Công ty Phúc Lộc Phát

Được cả cơ quan thẩm quyền và Cites cấp phép

Trong đơn kêu cứu tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Công ty Phúc Lộc Phát cho hay, ban đầu, trại khỉ của Công ty ở quận 12, TP.HCM. Bởi áp lực phát triển đô thị, doanh nghiệp đã di dời trại khỉ ra ngoại thành, thuộc xã Trung An, huyện Củ Chi.

Hiện trại khỉ nằm trên diện tích 6.000 m2 đất nông nghiệp, thuộc trang trại của Công ty. Xung quanh trại là ruộng nước, kênh nước hoang hóa, cách biệt hẳn với các khu đô thị, khu dân cư…

Năm 2019, Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) ký Văn bản số 403 khẳng định, khỉ đuôi dài ở trại nuôi của doanh nghiệp đã sinh sản ở các lứa tuổi 1 - 4 năm tuổi và dưới 1 tuổi. Nghĩa là doanh nghiệp đã gây nuôi sinh sản thành công giống khỉ đuôi dài quý hiếm và đây là điều kiện quan trọng nhất (tính hợp pháp) để Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cấp phép xuất khẩu.

Trong quá trình gây nuôi, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ môi trường; chuồng trại gây nuôi động vật rừng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN XXXX 2023. Công ty đã xây dựng bố trí các khu chức năng như khu vực chăn nuôi, khu nuôi sinh sản, nuôi con non, con trưởng thành và con hậu bị; khu vực nhà kho, khu chế biến thức ăn, khu nhà chăm sóc thú y, khu nhà điều hành quản lý, khu vực trồng cây xanh tạo bóng mát, khu vực xử lý chất thải, nước thải và vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Quang Hoàng, Phó trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã TP.HCM

Năm 2022, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã cấp chứng nhận mã số cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II, Công ước Cites IIB-C-HCM-005 cho Công ty Phúc Lộc Phát. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm đã chứng nhận cho Công ty Phúc Lộc Phát nuôi khỉ đuôi dài, có nguồn gốc "do gây nuôi sinh sản tại trại và mua từ cơ sở gây nuôi hợp pháp".

Theo đó, Công ty Phúc Lộc Phát trở thành một trong 3 doanh nghiệp hiếm hoi ở Việt Nam gây nuôi và sinh sản khỉ đuôi dài xuất khẩu, phục vụ cho nghiên cứu, làm vắc-xin được Cites cấp phép.

Bà Trần Thị Ngân, Giám đốc Công ty Phúc Lộc Phát cho hay, thời gian qua, trại nuôi khỉ của doanh nghiệp tiến hành chăn nuôi, xuất khẩu bình thường. Mỗi lô khỉ xuất khẩu, doanh nghiệp nộp thuế cho Nhà nước trên 10 tỷ đồng.

Nguy cơ xóa sổ đơn hàng xuất khẩu lớn

Theo bà Trần Thị Ngân, vấn đề phát sinh khi Công ty ký được một hợp đồng lớn, cần xuất khẩu hơn 1.000 con khỉ đuôi dài sang Trung Quốc. Trước khi được xuất khẩu, theo quy định, khỉ phải được chích ngừa, xét nghiệm và cách ly mỗi cá thể một lồng. Mỗi lồng có khoảng cách an toàn trong một chuồng và các chuồng phải đúng cự ly trong trại cách ly chờ xuất khẩu. Sau đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Thú y và Y tế dự phòng sẽ xét nghiệm, kiểm tra từng cá thể theo quy chuẩn quốc tế.

Mặt khác, doanh nghiệp phải bố trí cho công nhân và bác sỹ thú y ở lại trong trang trại để tiện nuôi, theo dõi và chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho đàn khỉ.

Trạm cứu hộ động vật hoang dã thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, điều này là bắt buộc. Đơn vị này còn làm văn bản đề nghị Công ty Phúc Lộc Phát “xây dựng thêm nhà lưu trú cho công nhân và người lao động nghỉ tại chỗ; xây dựng riêng chuồng trại cách ly nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh đối với cá thể động vật đang nuôi trong trại, nuôi cách ly để xuất khẩu và nhập từ cơ sở khác về nuôi; diện tích xây dựng trường nuôi cách ly phải phù hợp với quy mô, số lượng động vật đang nuôi; tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh, lây lan ra ngoài cộng đồng và qua người”.

Với yêu cầu gấp rút trên, Công ty chưa kịp xin phép, nên đã cho lắp ráp tạm một căn nhà diện tích hơn 15 m2, không đào móng, chỉ lắp khung kèo thép, lợp tôn cho bác sỹ thú y và công nhân vào ở tạm.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, việc xây dựng các công trình như chòi canh, cấu kiện lắp ghép… nhằm mục đích phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là nhu cầu rất lớn và cần thiết của người dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Vì vậy, cần có giải pháp hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo quy định, đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. 

Doanh nghiệp cũng cho cải tạo lại một chuồng nuôi chim le le trước đây có diện tích hơn 374 m2 thành khu cách ly theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành. “Công ty chỉ tiến hành quây lưới mắt cáo phía trên phần tường gạch, lấp mương nước ở dưới chuồng nuôi chim le le đã có từ trước, lắp thêm vì kèo thép tiền chế và nâng cao mái lợp tôn theo quy chuẩn chuồng trại…”, bà Ngân nói.

Tuy nhiên, chính quyền xã không thông cảm cho doanh nghiệp. Sau khi ra nhiều văn bản xử phạt hành chính, tháng 5/2023, UBND xã Trung An đã buộc doanh nghiệp phải đập bỏ căn nhà tạm trên diện tích hơn 15 m2 để công nhân và bác sỹ thú y ở tạm.

Còn phần khu cách ly khỉ xuất khẩu diện tích hơn 374 m2, ngày 16/6/2023, Công ty có Văn bản số 26/KN-2023 gửi UBND huyện Củ Chi, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM và UBND xã Trung An, kiến nghị giúp đỡ hướng dẫn cho doanh nghiệp.

“Ngày 19/6, Trạm cứu hộ động vật hoang dã của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã phúc đáp, đề nghị chúng tôi liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương để được hướng dẫn, xây dựng chuồng trại nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định, quy chuẩn quốc gia, quốc tế, kiểm soát tốt dịch bệnh đảm bảo an toàn. Thế nhưng, chờ đợi mãi, Công ty vẫn không nhận được phản hồi của UBND huyện Củ Chi về vấn đề này”, bà Ngân phản ánh.

Tới tháng 7/2023, UBND huyện Củ Chi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp với mức phạt 6,5 triệu đồng vì hành vi chuyển từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, với diện tích đất chuyển mục đích trái phép hơn 374 m2.

Quyết định này “đáng sợ” hơn khi buộc doanh nghiệp phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất. Cũng tức xóa sổ khu cách ly, khiến cả ngàn con khỉ đuôi dài sẽ không đạt yêu cầu xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ bị phạt hợp đồng, đối diện bờ vực phá sản bởi mất uy tín thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Khu cách ly khỉ xuất khẩu dở dang của Công ty Phúc Lộc Phát
Khu cách ly khỉ xuất khẩu dở dang của Công ty Phúc Lộc Phát

Chính quyền có cần phải “quyết liệt” như vậy?

Tại các quyết định của chính quyền địa phương thể hiện, từ cấp xã tới cấp huyện rất “quyết liệt” “quyết tâm” xử lý sai phạm.

Chỉ xung quanh khu cách ly chuồng khỉ, cùng 1 ngày, từ cấp xã tới huyện đồng loạt có 4 văn bản gồm: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 8207/QĐ-XPHC của UBND huyện Củ Chi ký ngày 13/7/2023; Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính do UBND xã Trung An lập ngày 13/7/2023; Tờ trình số 1148/UBND, ngày 13/7/2023 của UBND xã Trung An về việc đề nghị ban hành quyết định xử phạt và Tờ trình số 6251/TTr-TNMT ngày 13/7/2023 của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Củ Chi, với đề xuất xử phạt Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát.

Việc doanh nghiệp chưa được phép đã vội cải tạo chuồng trại là không đúng quy định, nhưng nếu đứng ở vị trí doanh nghiệp, với áp lực hợp đồng mới thấu hiểu hoàn cảnh của họ. Đó là chưa nói, từ thủ tục hành chính tới quy định pháp luật còn chưa hoàn thiện, thậm chí “chạy” theo thực tế. 

Hơn nữa, việc xây dựng công trình tạm phục vụ sản xuất nông nghiệp vốn là nhu cầu thực sự. Tới mức, năm 2020, trước nhu cầu này, UBND TP.HCM đã có Công văn số 3680/UBND-ĐT cho thực hiện thí điểm xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khác và phi nông nghiệp khác tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.

Ba huyện trên có 320 công trình được xây dựng, trong đó riêng Củ Chi chiếm phần lớn khi có 267 công trình.

Dù TP.HCM đã chấm dứt thực hiện thí điểm để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật theo Kết luận Kiểm tra số 48/KL-KTRVB ngày 7/10/ 2022 của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), nhưng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng, đây là nhu cầu thực, nên giao UBND các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè rà soát, thống kê các trường hợp đã được thực hiện thí điểm để có đề xuất giải pháp xử lý chuyển tiếp, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Chính quyền các huyện trên cũng tham khảo đề án thí điểm khác để tham mưu, đề xuất Thành phố trình xin chủ trương triển khai phù hợp với Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Vậy tại sao huyện Củ Chi không vận dụng chỉ đạo trên của UBND TP.HCM để mở lối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thay vì khiến một công ty hiếm hoi của Việt Nam gây nuôi xuất khẩu mặt hàng đặc biệt được cả Cites cấp phép tới bờ vực phá sản?

Doanh thu tài chính cứu doanh nghiệp bất động sản
Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn, song nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn ghi nhận lợi nhuận dương nhờ doanh thu tài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư