Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hết Tết, buôn lậu rầm rộ “ra quân”
Phương Dung - 18/02/2014 17:11
 
Sau kỳ nghỉ tết dài, các đầu nậu buôn lậu dọc biên giới Tây Nam cũng đã “khai trương” để kịp nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trước tết, đường biên bị “siết” khá chặt nên dân BL đang nhộn nhịp “nhập bù” cho lượng hàng hóa bị thiếu hụt…
TIN LIÊN QUAN

Hàng “chủ lực” là thuốc lá và đường

Cách biên giới huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) chừng 2km là “đại bản doanh” hàng lậu của trùm Mi (người Việt Nam). Từ lâu, ngã ba Sóc Nóc (huyện Chanh Trea, tỉnh Svay Rieng, Campuchia) được giới buôn lậu gọi là “ngã ba vùng vịnh” để nói về độ nóng của hàng lậu.

Bà này có trong tay lực lượng cửu vạn hùng hậu, từ thủy đến bộ lên đến cả trăm “nài”. Trong tết, các “nài” và giới trùm nghỉ tết, sau đó “ra quân” chủ yếu vào ngày mùng 9 tháng Giêng như nhiều doanh nghiệp của người Việt.

Bà Mi là bà trùm chuyên phân phối thuốc lá Hero và Jet - 2 nhãn hàng gần như thống trị phân khúc thuốc lá ngoại tại thị trường TPHCM và các tỉnh phía Nam. Sau kỳ nghỉ tết, mấy ngày qua, các “đệ tử” của bà Mi đang hoạt động hết công suất để tuồn hàng vào Việt Nam qua ngõ Tây Ninh và Long An.

Tương tự, tại chợ gò Tà Mâu - cái chợ chết tên “thiên hạ đệ nhất lậu thị” nằm giáp biên giới phường Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc, An Giang) - không khí BL bắt đầu nhộn nhịp sau kỳ nghỉ tết.

Khác với biên giới Long An và Tây Ninh chỉ rặt mặt hàng thuốc lá lậu, chợ Tà Mâu có đủ các mặt hàng từ đường cát, thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo, mỹ phẩm đến đồ gia dụng... Sau tết, người dân khắp nơi đi lễ Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc - theo thống kê khoảng 2 triệu người/năm - cũng được xem là nguồn tiêu thụ một lượng lớn hàng lậu tại chợ Tà Mâu.

Điểm nóng nhất về đường cát lậu là các vùng biên thị trấn Long Bình (huyện An Phú), thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) với số lượng đường lậu từ Campuchia về lớn hơn nhiều chục lần so với Vĩnh Nguơn.

Ở biên giới Tây Nam, ông trùm đường lậu được gọi chết tên là T “đường”, hoạt động rầm rộ cả chục năm nay. Ông T “đường” có nhiều nhà kho sức chứa hàng ngàn tấn dọc bờ sông khu vực An Phú, có đội xe tải nặng hơn chục chiếc để chở đường.

Thuốc lá lậu vào Việt Nam qua biên giới Long An

Thuốc lá lậu vào Việt Nam qua biên giới Long An

Ngân sách mất 5.000 tỷ đồng

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), lượng thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam đã tăng từ 636 triệu bao (năm 2007) lên hơn 900 triệu bao (năm 2013).

Tình trạng nhập lậu làm thất thu ngân sách 4.320 tỷ đồng, “chảy máu” ngoại tệ gần 450 triệu USD. Thuốc là ngoại nhập lậu đem lại nguồn thu lớn cho một số ông trùm, nhưng lại làm hàng trăm ngàn lao động ở nông thôn sống bằng nghề trồng nguyên liệu thuốc lá ở các huyện nghèo thuộc các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường lậu tràn vào nước ta, tương đương khoảng 300.000 - 400.000 tấn đường nhập lậu/năm. Lượng đường nhập lậu khiến nhà nước thất thu ít nhất 650 tỷ đồng mỗi năm; đồng thời các đối tượng buôn lậu còn tránh được hàng trăm tỷ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi một số đầu nậu hưởng lợi thì hàng chục ngàn nông dân trồng mía bị thiệt hại nặng do ngành đường trong nước không cạnh tranh lại đường Thái.

Chỉ tính riêng 2 mặt hàng nhập lậu vào Việt Nam là thuốc lá và đường, mỗi năm ngân sách thất thu khoảng 5.000 tỉ đồng. Điều đáng nói là, cả 2 mặt hàng trên gần như chỉ thẩm lậu vào Việt Nam qua cửa ngõ biên giới Tây Nam - nơi địa hình không hiểm trở như biên giới miền Trung và các tỉnh phía Bắc.

Bó tay dài dài

Theo ông Phan Lợi - Chi cục trưởng Chi cục QLTT An Giang - lực lượng phòng chống buôn lậu trực chiến 24/24 giờ để ngăn chặn, nhưng bằng mọi cách dân buôn lậu vẫn vận chuyển hàng hóa qua biên giới đưa về nội địa tiêu thụ.

Dân buôn lậu cử người theo dõi, giám sát rất chặt chẽ các chốt chống lậu nên mỗi khi lực lượng này xuất quân, dân buôn lậu đều đối phó được. Tương tự, tại Long An, trước trụ sở công an 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ và các đội QLTT, dân buôn lậu đều cử vài ba đối tượng làm nhiệm vụ duy nhất là theo dõi nhất cử nhất động của lực lượng này.

Không chỉ theo dõi lực lượng chống lậu, cánh nhà báo xuất hiện tại các điểm nóng nếu bị phát hiện cũng bị dằn mặt, thậm chí đánh gây thương tích. Trước tết, tại địa bàn xã Lộc Giang (huyện Đức Hòa, Long An), nhóm nhà báo của VTV, TTXVN và phóng viên báo Long An đã bị nhóm “nài” thuốc lá lậu phát hiện, giằng máy quay phim và dọa đánh. Trước đó, tại địa bàn này, một phóng viên khác cũng của báo Long An đã bị rượt đuổi, bị bắn khi chụp ảnh buôn lậu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư