Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Hết ác mộng tín dụng đen nhờ phong cách chi tiêu mới
Hà Tâm - 19/03/2021 13:57
 
Mất việc làm, không có thu nhập vì đại dịch Covid-19, thay vì vội vàng vay tín dụng đen như trước, nhiều người lao động đã chủ động tìm đến tín dụng tiêu dùng.
Công ty Tài chính FE Credit hiện chiếm hơn 50% thị phần cho vay tiêu dùng

Nhu cầu vay không giảm, công ty tài chính giảm lãi hỗ trợ khách hàng

Chị Nguyễn Thị Thân (quê Nghi Lộc, Nghệ An) cho hay, hai vợ chồng chị vào TP.HCM lập nghiệp 8 năm nay. Chị làm phục vụ nhà hàng tại một khách sạn ở TP.HCM, còn chồng làm công nhân tại Công ty Delancey Street Furniture (Bình Dương). Tuy nhiên, từ tháng 4/2020 đến nay, chị được công ty cho tạm nghỉ, buộc phải đi việc thời vụ, thu nhập bấp bênh. Toàn bộ chi tiêu của gia đình hầu như trông cậy vào lương người chồng làm tại Công ty Delancey Street Furniture. Tuy nhiên, ngay sau Tết, Công ty đột ngột thông báo phá sản, khiến gia đình chị lao đao.

“Quá túng quẫn, tôi đã định vay tạm 10 triệu đồng qua App trên điện thoại, song thấy bạn bè có người chỉ vay vài triệu, trả 50 triệu đồng vẫn chưa hết nợ, suốt ngày bị xã hội đen đe dọa, nên chồng tôi ngăn cản. May mắn là sau đó, chồng tôi tìm hiểu và mở thẻ tín dụng tại một công ty tài chính, nhờ vậy gia đình tôi có thể xoay xở tạm ổn trong hơn 1 tháng qua. Hiện tại, tôi cũng đã tìm được việc mới và số nợ vay trong thẻ cũng được trả gần hết”, chị Thân cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của hơn 32 triệu người lao động, song nhu cầu vay tiêu dùng vẫn rất lớn. Chẳng hạn, trong năm 2020, công ty tài chính tiêu dùng có quy mô lớn nhất thị trường là FE Credit (chiếm hơn 50% thị phần cho vay tiêu dùng) vẫn tăng trưởng tín dụng 8,9%. Các công ty có quy mô thị phần nhỏ hơn như Mcredit, Home Credit, HD Saison… cũng vẫn tăng trưởng tín dụng tích cực.

Mặc dù tín dụng tăng mạnh, song nhiều công ty tài chính chấp nhận giảm lợi nhuận, giảm doanh số để duy trì ổn định, lành mạnh thanh khoản, hỗ trợ người vay, tạo nền tảng phát triển bền vững. Đơn cử, năm 2020, doanh thu, lợi nhuận của FE Credit bị ảnh hưởng, song công ty này vẫn miễn giảm lãi, giãn nợ cho hơn 250.000 khách hàng, chiếm khoảng 5% số khách hàng hiện hữu.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân vẫn rất lớn, nhiều người vẫn phải tìm đến tín dụng đen.

“Một số thống kê cho thấy, hiện có khoảng 47% người dân tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”. Tôi cho rằng, một khi tín dụng tiêu dùng phát triển, đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ, thì tín dụng đen, tín dụng ngầm sẽ bị thu hẹp, các hệ lụy và bất ổn trong đời sống xã hội nhờ vậy cũng sẽ giảm bớt”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, thời gian qua, bên cạnh ngân hàng, các công ty tài chính tiêu dùng cũng góp phần không nhỏ trong việc phát triển, mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng, góp phần đẩy lùi tín dụng “đen” trong đời sống xã hội. Đặc biệt, với lãi suất cho vay ngày càng giảm, mở rộng mạng lưới vay đến tận vùng sâu, vùng xa qua các ứng dụng công nghệ, các công ty tài chính tiêu dùng đang dần lấy được niềm tin, dần phát huy được vai trò và vị thế trong nền kinh tế ngày càng phát triển hiện nay.

Phong cách chi tiêu mới

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Covid-19 cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh. Người dân chuyển sang chi tiêu qua thẻ, vay trực tuyến… nhiều hơn là tìm đến các hình thức thanh toán hoặc vay vốn truyền thống.

Hiện nay, để phục vụ nhu cầu cấp bách, rất nhiều người tiêu dùng thay vì lựa chọn vay mượn người thân, bạn bè hoặc vay nóng, họ tìm đến các công ty tài chính vì thủ tục vay dễ dàng, lãi suất lại hợp lý.

Một khi tín dụng tiêu dùng phát triển, đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ, thì tín dụng đen, tín dụng ngầm sẽ bị thu hẹp, các hệ lụy và bất ổn trong đời sống xã hội nhờ vậy cũng sẽ giảm bớt.

- PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

“Từ khi ra trường, tôi mua được máy tính, xe máy, tủ lạnh, máy giặt đều nhờ vay trả góp tại FE Credit. Nếu đợi tiết kiệm đủ tiền mới mua, thì không biết bao giờ, gia đình tôi mới sắm đủ vật dụng thiết yếu. Nhiều người e ngại vì nợ nần, song thực ra, tôi thấy, vay tiêu dùng sẽ khiến mình có động lực kiếm tiền trả nợ. Hơn nữa, từ ngày biết đến vay tiêu dùng, tôi không còn phải thấp thỏm lo lắng mỗi khi rơi vào tình thế cấp bách về tài chính. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, việc vay và trả nợ công ty tài chính rất dễ dàng, vấn đề là trước khi vay, cần lên kế hoạch trả nợ rõ ràng”, chị Nguyễn Thị Hoa, kế toán Công ty Xuất nhập khẩu Nhất Nam (Hà Nội) cho hay.

Sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen mua sắm của khách hàng, cũng như nắm bắt những xu hướng mới của ngành tài chính tiêu dùng trước tác động của đại dịch Covid-19, các công ty tài chính cần xác định công nghệ chính là chìa khóa cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng tại Công ty Tài chính FE Credit, năm 2020, tỷ lệ chi tiêu qua thẻ của công ty này tăng 30%. Ngoài ra, nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, hệ thống công nghệ thông tin của công ty có thể xử lý tới 350 khoản vay/ngày. Lãnh đạo FE Credit cho biết, Công ty đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái toàn diện trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp các giải pháp toàn diện, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhất là khách hàng trẻ, ưa thích công nghệ.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, tài chính tiêu dùng phát triển sẽ góp phần phủ sóng tài chính toàn diện, gia tăng hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng thu nhập không cao, giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác, bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường.

“Ứng dụng công nghệ số đem lại cho các công ty tài chính nhiều cơ hội để mở rộng tệp khách hàng, tận dụng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro khách hàng tốt hơn, giảm chi phí kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, hoạt động an toàn, hiệu quả hơn. Công nghệ cần được đầu tư để tăng năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí vận hành, có tổ chức công ty gọn nhẹ, vận hành hiệu quả, quản trị rủi ro tốt, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt, cung cấp cho khách hàng thông tin đầy đủ khi sử dụng các sản phẩm. Trên cơ sở đó, chi phí đầu ra của công ty sẽ rẻ hơn và có thể giảm lãi suất cho khách hàng, tăng sức cạnh tranh cho bản thân chính công ty tài chính”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Ngân hàng Chính sách xã hội thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng cho hộ nghèo
Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ đề xuất để thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư