Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Hiểm họa từ khoang chở hàng khổng lồ trên xe khách
Hồng Xiêm (vnexpress) - 13/04/2017 08:03
 
Các xe khách có hầm chở hàng lớn phải ngăn thành các khoang với diện tích nhất định, tránh xô lệch khi di chuyển...
1
Tình trạng nhà xe không chấp hành quy định về kích thước khoang hành lý xe khách vẫn khá phổ biến - Ảnh: Hồng Xiêm

Các xe khách có hầm chở hàng lớn phải ngăn thành các khoang với diện tích nhất định để tránh xô lệch khi di chuyển hoặc chở hàng hóa có kích thước lớn. Tuy vậy, vẫn phổ biến tình trạng nhà xe không thực hiện, cũng như chở các loại hàng hóa dễ cháy nổ trong hầm hàng, đe dọa sự an toàn của hành khách.

Khoang hành lý như thùng hàng... xe tải

Theo quy chuẩn kỹ thuật được Bộ GTVT ban hành tại Thông tư 87 ngày 31/12/2015, khoang hành lý nằm dưới sàn xe khách phải được ngăn thành các khoang kín, với chiều dọc không quá 1,5m, rộng không quá 1,225m. Mới đây, Cục Đăng kiểm VN cũng yêu cầu các đơn vị đăng kiểm quản lý chặt các xe theo tiêu chuẩn trên, góp phần ngăn chặn tình trạng nhiều nhà xe, nhất là xe khách giường nằm biến hầm hàng thành khoang… xe tải, gây nguy cơ mất an toàn trong quá trình di chuyển. Tuy vậy, đến nay vẫn phổ biến các trường hợp xe khách không ngăn hầm chở hàng để vận chuyển hàng có kích thước lớn, thậm chí hàng dễ cháy nổ.

Tại bến xe Mỹ Đình và Yên Nghĩa (Hà Nội), theo ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 7/4, có hàng chục trường hợp xe khách loại

"Từ ngày 1/1, khoang hành lý của các xe khách sản xuất mới hay đang lưu hành đều phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về kích thước, chia ngăn được quy định tại Quy chuẩn VN 09: 2015. Các trung tâm đăng kiểm khi kiểm định phương tiện đều chụp ảnh khoang hành lý và lưu vào hồ sơ kiểm định. Bên cạnh sự kiểm soát chặt chẽ của hệ thống đăng kiểm, lực lượng chức năng cần kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm để góp phần bảo đảm an toàn cho xe chở khách."

Ông Ngô Hồng Hệ
Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới
(Cục Đăng kiểm VN)

46 chỗ, xe khách giường nằm chạy các tuyến đi Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai không tuân thủ tiêu chuẩn kích thước hầm hàng. Hầm hàng của các xe BKS như: 27B-000.64, 29B-012.65, 26B-004.84, 23B-001.66, 36B-0233.22... có chiều dài bằng với khoảng cách giữa hai trục xe, có xe chia thành 2 khoang, có xe không ngăn thành khoang. Hàng hóa được xếp, dỡ từ các hầm hàng các xe trên khá đa dạng, từ thùng, hộp carton, bao tải, lốp xe, đến thùng sơn hoặc các tấm kim loại. Dữ liệu kiểm định các xe trên cũng cho thấy phần hầm hàng chưa được ngăn, chia khoang theo quy định.

Đáng lo ngại là một số xe trước khi xuất bến hoặc vừa về bến còn chở cả xe máy trong khoang chở hàng mà không tháo bỏ xăng. Một lái xe tên Tùng, chạy tuyến Mỹ Đình - Hà Giang cho biết, nhiều chuyến xe vắng khách, nhưng có hàng hóa được gửi theo xe nên bù lại được chi phí. “Mua xe đã có hầm rộng rồi, nên khi đi đăng kiểm lắp thêm vách ngăn, sau đó về tháo ra để như cũ thì mới chở được nhiều đồ. Chủ yếu là khách quen gửi hàng, nặng nhẹ gì cũng chở, miễn không phải hàng cấm thì chở thôi”, anh Tùng nói.

Trong khi đó, lái xe tên Quân, chạy tuyến Mỹ Đình - Điện Biên chia sẻ: Lần đi đăng kiểm xe gần nhất là tháng 11/2016 đã được trung tâm đăng kiểm nhắc nhở phải ngăn hầm hàng thành các khoang cố định. Tuy nhiên, đến tháng 6 tới mới đến đợt đăng kiểm kế tiếp, khi đó ngăn cũng chưa muộn. “Đồ đạc trong hầm hàng chủ yếu là đặt xếp vào đó thôi chứ không chằng buộc gì, khi vào đoạn cong cua chắc chắn bị xô, nếu đi nhanh kể cũng nguy hiểm”, anh Quân thừa nhận.

2

Nhiều nhà xe nhận vận chuyển cả xe máy vẫn còn đầy bình xăng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ - Ảnh: Tạ Tôn

Kiểm soát không đồng bộ, nhà xe vẫn đối phó

Thông tin từ các lái xe cũng cho biết, khi lưu thông trên đường chủ yếu bị lực lượng chức năng kiểm tra xem có chở hàng cấm, hàng lậu hay không, còn không bị kiểm tra, xử lý về việc kích thước hầm hàng. Ngay cả các bến xe cũng không kiểm tra, nhắc nhở.

Về vấn đề này, lãnh đạo một số bến xe ở Hà Nội và các tỉnh đều cho biết, do không có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm về tình trạng kỹ thuật nên khi làm thủ tục cho xe rời bến chủ yếu kiểm tra, ngăn không cho rời bến đối với xe chở hàng trong khoang hành khách, trên nóc xe. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe chở khách không có ngăn vách hầm hàng hoặc khi xe đến đăng kiểm thì được lắp thêm các vách ngăn, sau đó lại tháo ra.

Ông Lê Văn Ngân, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-01V cho biết, theo quy định từ ngày 1/1, tất cả các xe khách phải ngăn khoang chở hành lý thành các khoang nhỏ, vách ngăn phải kín và cố định để giúp phương tiện ổn định trọng tâm trên hành trình. Tuy nhiên, còn không ít trường hợp chủ xe chưa tự giác thực hiện hoặc chờ đến kỳ đăng kiểm mới lắp vách ngăn. “Hầu hết nhà xe, đơn vị vận tải đều biết quy định này nhưng nhiều trường hợp khi được trung tâm đăng kiểm yêu cầu mới lắp. Dù vậy, cũng khó biết được sau khi rời khỏi trạm đăng kiểm có giữ nguyên hay lại tháo ra”, ông Ngân nói.

Cũng như vậy, ông Phạm Mạnh Tường, Giám đốc Công ty CP Đăng kiểm xe cơ giới Lào Cai lo ngại: “Khi xe đến trung tâm để kiểm tra đều phải lắp vách ngăn mới đủ điều kiện để được cấp chứng nhận kiểm định, còn sau đó nếu nhà xe vẫn đối phó, tháo vách ngăn ra thì đơn vị đăng kiểm cũng không thể kiểm soát được. Nếu thiếu sự kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng thì chắc chắn vẫn có chuyện nhà xe chỉ lắp vách ngăn khoang hành lý nhằm đối phó”.

CSGT đóng giả xe ôm xử phạt xe khách chạy chui
Xe dù, xe hợp đồng trá hình thuê xe ôm theo dõi CSGT để hoạt động chui. CSGT phải mặc thường phục giả danh xe ôm để ghi hình xử phạt nghiêm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư