Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hiến kế để Tây Ninh phát triển bền vững
Lê Quân - 29/12/2023 07:23
 
Tỉnh Tây Ninh dù đã có chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững nhưng kế hoạch hành động vẫn tập trung vào “làm gì” mà chưa nêu rõ “làm thế nào.

Ngày 28/12, tại TP.HCM, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cùng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM; Công ty cổ phần Tư vấn, đầu tư, hạ tầng Sài Gòn tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số”.

Khu công nghiệp Phước Đông của tỉnh Tây Ninh được đầu tư đồng bộ để bảo đảm phát triển bền vững

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số đòi hỏi địa phương cần phải có các giải pháp căn cơ, có lộ trình để bảo đảm sự ổn định trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó mới tạo đà cho sự phát triển.

Theo thống kê, năm 2022, Tây Ninh xếp thứ 15 trong số 63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài. Việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh Tây Ninh còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, hội thảo sẽ góp thêm các giải pháp để tận dụng cơ hội, hạn chế các thách thức và gợi mở hướng phát triển bằng các định hướng chiến lược và căn cơ.

Đề cập đến vấn đề phát triển bền vững tại Tây Ninh, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Diễm, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đánh giá, mặc dù tỉnh đã chỉ ra các vấn đề môi trường còn tồn tại, xác định các nguyên nhân gây ô nhiễm và đề xuất một số giải pháp trong báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030…nhưng các chiến lược và kế hoạch hành động vẫn tập trung vào “làm gì” mà chưa nêu rõ “làm thế nào”.

Theo bà Diễm, hiện nay, xu hướng chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Do vậy, Tây Ninh có thể cân nhắc xây dựng các mô hình ở cấp địa phương hoặc tìm kiếm cơ hội hợp tác và nhận tài trợ trong xây dựng các nền tảng kỹ thuật số cần thiết trong bảo vệ môi trường của tỉnh.

Để chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường thì 2 nội dung phải được bảo đảm, là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh và hệ thống đo lường chính xác, hiệu quả. Tuy nhiên, để triển khai, Tây Ninh cần phải có nguồn kinh phí và có sự chuẩn bị, tập trung vào 3 nội dung chính gồm: tầm nhìn, chiến lược, chính sách; tài chính và con người.

“Với nguồn lực địa phương còn hạn chế, việc tận dụng các nền tảng có sẵn của quốc tế là cần thiết. Để đạt được mục tiêu thì Tây Ninh cần chủ động hội nhập quốc tế. Ngoài ra, thu hút và tiếp cận các nguồn lực từ các địa phương khác như TP.HCM, từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong mảng kỹ thuật số, công nghệ thông tin cũng là giải pháp Tây Ninh nên cân nhắc” bà Nguyễn Ngọc Diễm hiến kế.

Đối với nông nghiệp, các nhà khoa học cho rằng Tây Ninh có lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp như chăn nuôi bò sữa và đã có một số doanh nghiệp lớn đến Tây Ninh đầu tư như Vinamilk. Tuy nhiên, phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn còn ít.

Tại hội thảo, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ ký kết hợp tác với Đại học Văn hóa TP.HCM, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư hạ tầng Sài Gòn để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học phát triển bền vững tỉnh Tây Ninh

Thạc sĩ Phan Tuấn Anh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho rằng, Tây Ninh chỉ đang ở giai đoạn đầu hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Thêm vào đó, những chính sách riêng cho phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiện nay chưa có. Những điều này đã gây cản trở khá lớn cho sự hình và phát triển theo hướng tuần hoàn của ngành chăn nuôi tỉnh Tây Ninh.

Theo vị chuyên gia này, Tây Ninh cần có chính sách ưu tiên về thuế, đất đai…để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có phương án sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới.

Với tỷ lệ hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ và manh mún còn khá lớn thì ưu tiên của Tây Ninh phải là những mô hình chăn nuôi tuần hoàn có quy mô nguồn vốn đầu tư cũng như diện tích đất sản xuất vừa phải, dễ nhân rộng và thực hiện.

Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh cần có chính sách đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp kinh tế tuần hoàn

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh: Lựa chọn mục tiêu tăng trưởng cao, đột phá
"Với tư duy không phải cho 1 nhiệm kỳ mà cho giai đoạn dài hạn, đã đến lúc có khát vọng và tỉnh đã quyết định chọn mục tiêu tăng trưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư