Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách
Raymond Mallon - 05/11/2018 07:48
 
Theo chương trình nghị sự, hôm nay (5/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Xin trân trọng chuyển tới độc giả bài viết dành riêng cho Báo Đầu tư của ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế cao cấp, tư vấn cho Chương trình Cải cách kinh tế Việt Nam - Australia về tác động của hiệp định này đến kinh tế Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

Giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách 

Một số nhà quan sát tranh luận rằng, các thể chế bên ngoài hiện đóng vai trò then chốt trong chương trình cải cách của Việt Nam. Trong khi Việt Nam tích cực nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để hoạch định các kế hoạch và chính sách phát triển, thì kinh nghiệm của tôi cho thấy, cải cách khó có thể thực hiện được nếu thiếu sự đồng thuận trên bình diện quốc gia.

Hiệp định CPTPP tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa sang thị trường rộng lớn của các nước thành viên. Trong ảnh: Sản xuất tại Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Đ.T
Hiệp định CPTPP tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa sang thị trường rộng lớn của các nước thành viên. Trong ảnh: Sản xuất tại Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Đ.T

Việc Việt Nam tham gia CPTPP là một bước nữa trong quá trình cải cách được toàn dân ủng hộ. Những cuộc cải cách trước kia đã giúp Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế đóng (với sự hạn chế về lưu chuyển hàng hóa, vốn, và con người) vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, sang nền kinh tế mở, với tỷ trọng thương mại và đầu tư nước ngoài tính trên GDP được xếp vào loại cao nhất thế giới.

Sự chuyển đổi này đã đem lại lợi ích vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, như mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp nhận công nghệ, vốn và ý tưởng từ khắp nơi trên thế giới, cũng như xây dựng các mối liên kết với các mạng lưới sản xuất toàn cầu. Những cơ hội về việc làm và thu nhập đã được cải thiện. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh chóng trong 3 thập kỷ qua. Việc tăng cường hội nhập quốc tế thông qua CPTPP sẽ tiếp tục giúp Việt Nam cải thiện đời sống người dân. 

Lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Việt Nam

Việc cắt giảm thuế quan sẽ mang đến nhiều lợi ích trực tiếp, nhưng với những ngành đã có mức thuế thấp, thì tác động của việc giảm thuế sẽ không nhiều. Tuy nhiên, nhiều lợi ích có thể đến từ việc cắt giảm các rào cản phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư tại tất cả thành viên CPTPP, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch và các biện pháp chống tham nhũng.

.
.

Những cải cách này sẽ giúp giảm chi phí và rủi ro kinh doanh tại Việt Nam, làm tăng cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư. Những cải cách này cũng đảm bảo rằng, việc thành công trong kinh doanh sẽ ít phụ thuộc vào sự tiếp xúc với những người ra quyết định chính sách. 

Việc tiếp cận vốn và công nghệ một cách dễ dàng hơn cũng sẽ kích thích sáng tạo và tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tạo ra thu nhập mới và cao hơn, với nhiều cơ hội việc làm tốt hơn.

CPTPP là hiệp định về hội nhập kinh tế do 11 nước ký kết vào tháng 3/2018, sau 10 năm đàm phán. Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP (phiên bản cũ của CPTPP), CPTPP còn lại 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Pêru, Singapore và Việt Nam.
CPTPP chiếm 15% thương mại thế giới và hơn 13% GDP toàn cầu.
CPTPP được kỳ vọng có hiệu lực vào cuối năm nay và có thể cho phép kết nạp thêm các nền kinh tế khác. Tại châu Á, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP. Columbia và Anh cũng muốn tham gia hiệp định này.
CPTPP bao gồm các chương có phạm vi vượt ra khỏi các hiệp định thương mại tự do truyền thống. CPTPP đề cập các vấn đề chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, thương mại dịch vụ, mua sắm công, minh bạch, phòng chống tham nhũng, môi trường, lao động, kinh tế số, bình đẳng giới, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc hài hòa hóa và đơn giản hóa quy định về nguồn gốc xuất xứ và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại khác sẽ giúp giảm thiểu chi phí giao dịch của doanh nghiệp. Điều này đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ khi đầu tư và kinh doanh trong khu vực.

Việc gia tăng khả năng tiếp cận thị trường với chi phí rẻ hơn, những cải cách trong lĩnh vực mua sắm công, hợp tác khu vực nhằm giải quyết các rào cản đối với cạnh tranh được kỳ vọng sẽ làm tăng phạm vi và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ. Chất lượng hàng hóa và dịch vụ sẽ được cải thiện nhờ sự tăng cường cạnh tranh và sáng tạo.

CPTPP cũng đòi hỏi các nước thành viên hỗ trợ các hoạt động nhằm tăng cường năng lực của nữ giới, bao gồm công nhân và các chủ doanh nghiệp, nhằm đạt được các cơ hội từ hiệp định này.

Việc đạt được các lợi ích từ CPTPP sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của Việt Nam trong phát triển thể chế kinh tế thị trường, đảm bảo quyền tài sản và cải thiện các quy định về kinh tế. Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cải thiện kỹ năng lao động, phát triển dịch vụ và kết cấu hạ tầng quốc gia, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh. CPTPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách. 

Phân bổ lợi ích từ CPTPP 

Các lợi ích từ CPTPP có được phân bổ công bằng không? Tôi cho rằng, câu trả lời là “không”. Một số lĩnh vực sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn, một số doanh nghiệp có thể phải đóng cửa và một số người có thể mất việc. Ngoài ra, một số người bị ảnh hưởng tiêu cực từ hội nhập sẽ cần sự hỗ trợ (như đào tạo hoặc di chuyển chỗ ở) để có thể đón nhận những cơ hội mới về cải thiện năng suất, việc làm.

Tăng trưởng kinh tế liên quan đến thương mại và đầu tư có thể gây ra nhiều vấn đề về môi trường, như áp lực tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân. Với các thách thức môi trường và xã hội này, người dân Việt Nam đôi khi đặt câu hỏi: Liệu những lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế có tương xứng với những chi phí bỏ ra để giải quyết những thách thức phát sinh?

Các cộng đồng dân cư cũng đòi hỏi được đảm bảo rằng, chi phí xã hội và môi trường được kiểm soát hiệu quả hơn và sự phát triển tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. Do vậy, những tác động về xã hội, môi trường và phân bổ lợi ích phải được kiểm soát nhằm nhận diện những vấn đề bị CPTPP tác động tiêu cực, từ đó áp dụng các giải pháp để có thể đảm bảo phân bổ công bằng lợi ích từ hội nhập.

Tác động của việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP đối với kinh tế Việt Nam 

Việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP làm giảm các lợi ích kinh tế đối với Việt Nam, bởi Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất trong TPP và là một trong những đối tác thương mại chính của Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ không rút khỏi TPP, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường này dễ dàng hơn, đặc biệt là với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, giày dép, đồ gỗ nội thất và nông nghiệp. 

Tuy nhiên, việc tham gia CPTPP vẫn sẽ giúp cải thiện năng lực của Việt Nam trong việc tiếp cận nhiều thị trường quan trọng. Hơn nữa, Việt Nam có thể có lợi từ việc nới lỏng các quy định đang gây tranh cãi về sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước sau khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP. 

Thách thức phía trước

Thách thức thứ nhất là việc cung cấp thông tin về các điều khoản tiếp cận ưu đãi của Hiệp định, cũng như việc tạo thuận lợi tiếp cận cơ hội kinh doanh đối với các điều khoản này. Những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, sự thiếu minh bạch trong các thủ tục, yêu cầu và chi phí cao trong việc thích nghi với các thủ tục mới là những rào cản điển hình đối với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do. Việc tham vấn kỹ cộng đồng doanh nghiệp là vô cùng quan trọng trong nhận diện và giải quyết các rào cản này.

Thách thức thứ hai là phải xây dựng năng lực thể chế quốc gia nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết trong hiệp định. Ví dụ, Luật Cạnh tranh sửa đổi gần đây đã đảm bảo rằng, luật này tương thích hơn với các cam kết của CPTPP. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn là việc xây dựng năng lực của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhằm thực hiện hiệu quả pháp luật. Việc chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng với các đối tác phát triển, trong đó có Australia, có thể giúp xây dựng năng lực này.

Thách thức nữa là các nhà làm chính sách phải nhận diện những nhóm cộng đồng bị tác động tiêu cực bởi CPTPP, từ đó, bàn bạc với những nhóm này nhằm áp dụng những chính sách giảm thiểu tác động bất lợi. Việc nghiên cứu dựa trên bằng chứng về mức độ và phân bổ các chi phí và lợi ích của toàn cầu hóa có thể giúp phát triển các chính sách nhằm đảm bảo các tác động từ hội nhập công bằng hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư