Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hiệu chỉnh ba trụ cột kinh tế hàng hải
Anh Minh - 23/09/2013 14:11
 
Dự thảo Quy hoạch điều chỉnh phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của ba trụ cột  kinh tế hàng hải là đóng tàu, vận tải biển và cảng biển vừa được Bộ Giao thông - Vận tải hoàn tất và bắt đầu lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Ngập trong thua lỗ, vận tải biển “bẻ lái” >Hạ cấp Vinashin
TIN LIÊN QUAN

Điểm nhấn rõ nét nhất trong Dự thảo Quy hoạch điều chỉnh của ba lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ với nhau này, so với các quy hoạch được phê duyệt trước đó, chính là những điều chỉnh giảm, thậm chí là giảm rất sâu chỉ tiêu về sản lượng tàu đóng mới, sản lượng hàng hóa thông qua và sản lượng vận tải.

Định hướng đến năm 2030 của ba trụ cột kinh tế hàng hải là đóng tàu,
vận tải biển và cảng biển vừa được hoàn tất

Cụ thể, đến năm 2020, các nhà lập quy hoạch chỉ đặt mục tiêu sản lượng đóng mới tàu biển là 2 - 2,5 triệu tấn/năm; sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển là 1.041 triệu tấn/năm; sản lượng hàng hóa được vận tải bằng đội tàu biển Việt Nam là 200 triệu tấn/năm..., giảm từ 30% đến 50% so với các chỉ tiêu được xây dựng trước đây.

Dù chỉ là số ít trong rất nhiều chỉ tiêu của quy hoạch điều chỉnh, nhưng đây là những chỉ tiêu cơ bản nhất, quyết định tới chiến lược đầu tư, huy động và phân bố nguồn lực cho 3 lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Cần phải nói thêm rằng, bên cạnh tác động rất mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008, việc chúng ta xác định không đúng nội lực, phát triển quá nóng, thiếu tính bền vững, phản ứng chậm trước những diễn biến bất lợi... đã khiến nhiều mục tiêu phát triển của kinh tế hàng hải bị “vỡ”, để lại nhiều hậu quả lớn, đến nay vẫn đang trong giai đoạn khắc phục.

Minh chứng rõ nhất trong lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển chính là sự tụt dốc của hai doanh nghiệp đầu đàn: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Đối với lĩnh vực cảng biển là hiện tượng dư thừa một lượng rất lớn năng lực hàng hóa thông qua tại nhóm cảng biển số 5 ở Bà Rịa – Vũng Tàu; sự không đồng bộ về cả quy mô lẫn tiến trình xây dựng giữa hạ tầng cảng biển và mạng giao thông kết nối đến cảng, bao gồm luồng và đầu mối logistics sau cảng; chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam cao hơn khu vực...

Những bất cập nói trên khiến việc hiệu chỉnh các quy hoạch nhằm tạo nền tảng phát triển một cách bền vững hơn cho lĩnh vực kinh tế hàng hải là đòi hỏi mang tính cấp bách, song lại cần sự thận trọng, chính xác và khoa học.

Được biết, khó khăn lớn nhất đối với các đơn vị lập quy hoạch chính là tình hình kinh tế thế giới - yếu tố đầu vào quan trọng của ngành hàng hải vẫn diễn biến rất phức tạp, khó dự đoán; các chỉ tiêu phát triển kinh tế trong nước đã và đang được điều chỉnh lại cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu và quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế trong nước.

Những yếu tố này khiến công tác dự báo, xác định các chỉ tiêu phát triển cho lĩnh vực đóng tàu, vận tải, cảng biển thật sự là bài toán khó: chỉ tiêu cao quá thì dẫn tới nguy cơ dư thừa công suất, lãng phí đầu tư, nhưng nếu thấp quá thì lại bỏ lỡ cơ hội phát triển khi kinh tế thế giới phục hồi.

Trên thực tế, cùng với việc huy động hầu hết các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải tham gia vào quá trình rà soát, cập nhật, Dự thảo Quy hoạch này đều sẽ phải được thông qua bởi một hội đồng thẩm định cấp quốc gia với trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phải chịu trách nhiệm chính, nhưng để đảm bảo chất lượng của Dự thảo Quy hoạch điều chỉnh hết sức quan trọng này, rất cần sự tham gia phản biện, đóng góp ý kiến tích cực, có trách nhiệm của các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương liên quan. Đây là nhân tố quyết định để hoàn thiện một bản quy hoạch có chất lượng, nhằm đưa kinh tế hàng hải sớm trở thành mũi nhọn hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế biển, đồng thời góp phần củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước.

Năm nay, cũng vẫn sẽ là những chủ đề thường thấy, với đề xuất của các nhóm công tác cơ sở hạ tầng, vốn, ngân hàng…, cũng như của các hiệp hội doanh nghiệp thành viên VBF. Thêm khuyến nghị của nhóm công tác ô tô - xe máy, lĩnh vực mà hai năm qua gặp rất nhiều khó khăn bởi những thay đổi của chính sách Việt Nam. Và tập trung hơn vào lĩnh vực ngân hàng, với rất nhiều vấn đề đang làm nóng dư luận hiện nay, như sở hữu chéo, sáp nhập và tái cơ cấu ngân hàng…

Điều quan trọng hơn, như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh VBF, đã nói, lần này, VBF sẽ đề xuất cụ thể một giải pháp tổng thể “ba chân kiềng” nhằm phục hồi sự năng động của nền kinh tế. Các giải pháp này sẽ không chỉ tập trung vào việc cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô nhằm khôi phục lòng tin của giới đầu tư, kinh doanh, mà còn là các biện pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp.

VBF, như thường thấy, là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối thoại và khuyến nghị chính sách. Nhưng ở vào thời điểm này, sự chờ đợi của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư là các cam kết và thông điệp nhất quán từ phía Chính phủ về việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cũng như các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.

Hơn thế, đó còn là hành động cụ thể và mạnh mẽ, quyết liệt hơn để những khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp thực sự được cải cách trong thực tế. Chỉ có như vậy, mới kỳ vọng lấy lại được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, qua đó khôi phục động lực tăng trưởng kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư