Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hình hài SBIC khác Vinashin thế nào?
Anh Minh - 04/11/2013 08:44
 
Quá trình tái cơ cấu giai đoạn II, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã có bước tiến dài với việc thu gọn đáng kể số lượng đầu mối để tập trung vào ngành nghề cốt lõi.

Sắm vai mới cho SBIC

Đã có một sự thận trọng đáng kể của các cơ quan chức năng trong quá trình phê duyệt Đề án Xây dựng, phát triển Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy - đơn vị vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải thành lập trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin với tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation (SBIC).

So với thời khoác áo Vinashin, SBIC phải thu gọn đáng kể số lượng
đầu mối để tập trung vào ngành nghề cốt lõi

Sự thận trọng bắt đầu ngay từ thời điểm công bố quyết định (10 ngày sau khi thành lập SBIC, Bộ Giao thông - Vận tải mới ra thông cáo báo chí) và việc chọn tên của đơn vị mới được thành lập.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 9/2013, Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến đặt tên cho “người thừa kế’ của Vinashin là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, tên giao dịch quốc tế là Vietnam Shipping Building (SVN).

“Có vẻ như các cơ quan quản lý muốn giúp SBIC sớm đoạn tuyệt với quá khứ cũ để bước sang một trang mới”, một chuyên gia bình luận.

Ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, sau khi thực hiện giai đoạn I tái cơ cấu Vinashin, một số giải pháp tái cơ cấu đã được điều chỉnh. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành đang thực hiện tái cơ cấu Vinashin tại Quyết định 1224/QĐ - TTg ngày 26/7/2013 về việc phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin của Thủ tướng Chính phủ với 3 trọng tâm: tái cơ cấu mô hình tổ chức, phương án sản phẩm và cơ cấu tài chính.

“Việc thành lập SBIC chính là một trong những bước đi quan trọng để triển khai Quyết định 1224”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định.

Động thái trên cho thấy, quá trình tái cơ cấu bước 1 của Vinashin đã kết thúc để chuyển sang giai đoạn mới: chuyển biến về chất trong chính doanh nghiệp “anh cả” trong ngành đóng tàu Việt Nam này.

Theo Quyết định 3287/QĐ - BGTVT ngày 21/10/2013, SBIC sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, với vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là 9.520 tỷ đồng.

Các ngành, nghề kinh doanh chính của Tổng công ty là: đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; tư vấn, thiết kế tàu thủy và phương tiện nổi; tái chế, phá dỡ tàu cũ.

Ngoài ra, Tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, sà lan, phương tiện nổi; xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép; các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.

Như vậy, SBIC đã cắt ít nhất 3 lĩnh vực hoạt động của Vinashin trước đây là vận tải biển; tài chính; thương mại; xây dựng và đầu tư.

Liên quan cơ cấu, tổ chức, ngoài Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là Công ty TNHH một thành viên (MTV) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, SBIC có 8 công ty con là các đơn vị mạnh về đóng tàu và sửa chữa tàu biển.

“Các công ty trên đang nắm giữ khoảng 70% năng lực đóng và sửa chữa tàu thủy của cả nước. Đây là những doanh nghiệp có truyền thống, có năng lực, đã được đầu tư kết cấu hạ tầng, dây chuyền công nghệ, thiết bị nâng hạ, gia công cơ khí và một số công nghiệp phụ trợ tương đối đồng bộ, có thể đóng được tàu 10.000 - 70.000 tấn và nhiều loại tàu chuyên dùng”, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải giao lập Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đánh giá.

Được biết, đối với những đơn vị này, khi thị trường đóng tàu hồi phục, thị trường tài chính ổn định, hoặc có điều kiện thuận lợi, sẽ tiến hành cổ phần hóa; bước đầu Nhà nước giữ cổ phần chi phối và sau đó giảm dần, không nắm giữ cổ phần chi phối. Nguồn tiền thu được từ cổ phần hóa dành để trả các khoản nợ của Tập đoàn khi đến hạn.

Cần nói thêm rằng, theo Dự thảo Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Cục Hàng hải Việt Nam trình Bộ Giao thông - Vận tải, các doanh nghiệp thuộc Vinashin (nay là SBIC) sẽ tham gia cùng các nhà đầu tư nước ngoài đóng mới khoảng 2 - 2,5 triệu DWT/năm, trong đó xuất khẩu đạt 1,67 - 2,16 triệu DWT/năm vào năm 2020.

Đối với sản lượng đóng mới phục vụ xuất khẩu, khối doanh nghiệp trong nước, trong đó chủ yếu là từ Vinashin, dự kiến góp 0,47 - 0,66 triệu DWT/năm, khối doanh nghiệp nước ngoài là 1,2 - 1,5 triệu DWT/năm.

Chưa đoạn tuyệt ngay với Vinashin

Theo Quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam chấm dứt hoạt động kể từ ngày SBIC được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, một lãnh đạo của Vinashin cho biết, hiện đơn vị này vẫn đang làm các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận kinh doanh và thời điểm cụ thể còn tùy thuộc vào cơ quan cấp phép, nên chưa thể nói chính xác thời điểm Vinashin chấm dứt hoạt động.

Trên thực tế, việc ra mắt SBIC sẽ sớm được triển khai bởi dự thảo điều lệ hoạt động của tổng công ty này đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Liên quan tới việc xử lý những tồn tại “hậu Vinashin”, SBIC được Bộ Giao thông - Vận tải giao tiếp tục kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam; trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Công ty mẹ và vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết.

Cụ thể, đơn vị này sẽ phải khẩn trương thực hiện sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây không tiếp tục duy trì trong cơ cấu Tổng công ty: cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp; bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.

Mặc dù Bộ Giao thông - Vận tải không công bố cụ thể chi tiết danh sách doanh nghiệp thành viên cần tiếp tục tái cơ cấu, song bằng phương pháp loại trừ, có thể nhận thấy, sẽ có nhiều “tên tuổi” lớn, thậm chí đang làm ăn có lãi sẽ được SBIC chủ động chuyển nhượng vốn, hoặc chuyển giao, sáp nhập, như Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin; Công ty cổ phần Xăng dầu PetroVietnam - Vinashin; Shell Gas Hải Phòng; Công ty cổ phần Cho thuê máy bay; SHB; Công ty Cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy…

Nếu việc chuyển nhượng, thoái vốn, sắp xếp những đơn vị nói trên chỉ là chọn thời điểm phù hợp, thì việc hoàn tất tái cơ cấu 165 doanh nghiệp thuộc danh mục bán, phá sản, giải thể, trong đó có Thép Vạn Lợi; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà… thực sự là một thách thức lớn.

“Phấn đấu đến năm 2015, Vinashin sẽ cơ bản thực hiện tái cơ cấu xong theo phương án: các doanh nghiệp còn vốn chủ sở hữu, thì thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển nhượng để thu hồi vốn đã đầu tư; các doanh nghiệp không còn vốn chủ sở hữu, thì thực hiện bán, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật”, ông Công cho biết.

Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên của Tổng công ty tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của đơn vị thành viên với Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian chuyển đổi mô hình tổ chức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các cá nhân có liên quan của các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản, tiền vốn của đơn vị, không để hư hỏng, hao hụt, thất thoát.

Đối với việc khắc phục các khoản nợ tồn đọng, đến thời điểm này, Vinashin đã phát hành thành công trái phiếu quốc tế để tái cấu trúc khoản vay 600 triệu USD nợ nước ngoài vào ngày 10/10. Trước đó (ngày 27/9), Vinashin đã cùng Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trong nước thực hiện phát hành và bàn giao đợt 1 trái phiếu hoán đổi nợ các khoản nợ trong nước trị giá gần 12.000 tỷ đồng. Các khoản nợ lẻ hơn 100 triệu USD của các chủ nợ nước ngoài đã tái cơ cấu xongg. Với số nợ trong nước còn khoảng 17.000 tỷ đồng, lãnh đạo Vinashin cho biết, sẽ phấn đấu giải quyết trong quý IV/2013, chậm nhất là quý I/2014 để hoàn thành việc tái cơ cấu nợ trên 4 tỷ USD của Vinashin.

“Dù ngành đóng tàu thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng ngày càng có nhiều đối tác nước ngoài tìm đến Vinashin để bàn cơ hội làm ăn. Ngay tại Tập đoàn, đã xuất hiện những điểm sáng về kinh doanh như Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm”, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư