Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Hỗ trợ doanh nghiệp SME khởi tạo mô hình kinh doanh bao trùm, bền vững
T.H - 11/03/2023 17:47
 
Các doanh nghiệp trong mô hình kinh doanh bao trùm đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cần giải quyết thông qua những chính sách hỗ trợ.

Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa chủ trì tổ chức workshop với chủ đề “Khởi tạo mô hình kinh doanh bao trùm”, với sự tham gia thực hiện của 3 chi đoàn trực thuộc là Chi đoàn Báo Đầu tư, Chi đoàn Cục Phát triển doanh nghiệp và Chi đoàn Cục Quản lý đăng ký kinh doanh.

Kinh doanh bao trùm là mô hình kinh doanh có lợi nhuận nhưng đóng góp vào giảm đói nghèo và phát triển bền vững thông qua việc gắn kết cộng đồng thu nhập thấp tham gia vào trung chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Theo định nghĩa được phát triển bởi G20, các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sinh kế trên cơ sở khả thi về mặt thương mại, ở quy mô hoặc khả năng mở rộng, cho những người ở Đáy của Kim tự tháp kinh tế (BoP), khiến họ trở thành một phần của chuỗi giá trị trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty với tư cách là nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ hoặc khách hàng.

Đồng chí Đỗ Minh Chiến, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Workshop. (Ảnh: Dũng Minh)

Theo đồng chí Doãn Mạnh Cường, Chi đoàn Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, kinh doanh bao trùm đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) về giảm nghèo và tăng thịnh vượng chung, giải quyết các vấn đề phát triển phổ biến. 

Trong giai đoạn 2010-2020, tài chính cho kinh doanh bao trùm chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, từ 10 tỷ USD vào năm 2010 lên 77 tỷ USD năm 2015 và đạt 715 tỷ USD vào năm 2020.

Có thể nói, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng do tác động của đại dịch, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên…, các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức rõ hơn về tác động của mình lên xã hội, cũng như những lợi ích có thể đem lại cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh bao trùm không phải là một vấn đề mới và xu hướng này đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian qua. Các doanh nghiệp tiêu biểu như Vinamilk, PNJ, Traphaco, PAN Group… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm…

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Đăng Việt Dương, Bí thư Chi đoàn Báo Đầu tư, kinh doanh bền vững, bao trùm dường như mới chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp lớn. Các trở ngại mà đại diện Chi đoàn Báo Đầu tư chỉ ra là thiếu vốn, thiếu thông tin kết nối, công cụ đo lường và hệ sinh thái kinh doanh bền vững.

Đồng quan điểm, đồng chí Doãn Mạnh Cường cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xã hội trong mô hình kinh doanh bao trùm đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, liên quan đến pháp lý, năng lực điều hành, tiếp cận vốn…

Đoàn viên, thanh niên các đơn vị tham gia Workshop. (Ảnh: Dũng Minh)

Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Minh, Ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn Cục Phát triển doanh nghiệp, tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 8/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 -2025", với mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và trách nhiệm xã hội, hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. Đến năm 2025 hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ sinh thái giúp hỗ trợ kinh doanh bền vững, phát triển mô hình chuẩn cho kinh doanh bền vững thành công…

Để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững, Chương trình tập trung vào các nội dung như tiếp cận nguồn tài chính, huy động vốn đầu tư, xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, kế hoạch kinh doanh bền vững, truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

Góp ý giải pháp thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh bao trùm, đồng chí Cường cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý, các chính sách hỗ trợ, ban hành quy chế mẫu về văn hóa doanh nghiệp, bộ quy tắc mẫu giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt quyền tự do kinh doanh.

Đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực quản trị doanh nghiệp và lao động theo hướng hội nhập.

Từ góc độ truyền thông, đồng chí Nguyễn Đăng Việt Dương cho rằng, truyền thông sẽ đóng vai trò giúp mang thông tin sản phẩm, dự án của doanh nghiệp tạo tác động xã hội đến các khách hàng tiềm năng, đồng thời đưa tiếng nói của các doanh nghiệp này đến cơ quan quản lý về cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Theo đồng chí Đỗ Minh Chiến, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Workshop nằm trong các hoạt động của Tháng Thanh niên, hướng tới kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023).

Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện đã được các cơ sở đoàn trực thuộc tham gia phối hợp thực hiện thời gian qua, đây là hoạt động sinh hoạt chuyên môn đầu tiên gắn với chức năng nhiệm vụ, công tác của đoàn viên các cơ sở đoàn.

Ghi nhận sự nỗ lực của các cơ sở đoàn và đánh giá cao hoạt động này, đồng chí Đỗ Minh Chiến khẳng định, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức ủng hộ, khuyến khích các đơn vị tiếp tục tổ chức các chương trình tương tự nhằm giúp các đoàn viên tăng cường giao lưu kết nối, trau dồi chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Pharmacity nỗ lực đổi mới toàn diện, hướng tới tăng trưởng bền vững
Đội ngũ lãnh đạo mới, doanh số bán thuốc tăng 77% và cải thiện đáng kể tình trạng tồn kho là những nỗ lực ấn tượng trong chiến lược...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư