Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Hỗ trợ tăng trưởng tín dụng qua OMO
Thông qua giao dịch thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát hiệu quả nguồn cung tiền, đẩy mạnh thanh khoản trên hệ thống ngân hàng, từ đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng và lạm phát.

Quý I/2015, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kiểm soát cung tiền và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng trong quý I được ghi  nhận ở mức 1,9% là bất ngờ so với giai đoạn 2011-2014 khi tăng trưởng tín dụng thường âm trong quý đầu năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng giá trị cho vay thông qua giao dịch kỳ hạn (reverse repo) và phát hành tín phiếu (sell outright) trên thị trường mở trong quý I đạt 339.730 tỷ đồng, tăng 6,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, khối lượng cho vay thông qua giao dịch reverse repo là 163.508 tỷ đồng, cao gấp 2,23 lần khối lượng quý I/2014. Trong khi đó, khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành trong quý I/2015 chỉ đạt 176.222 tỷ đồng, giảm 28% so với  cùng kỳ năm 2014.

 

Khác với cùng kỳ hai năm trước, khi doanh số phát hành tín phiếu lấn át thị trường (với tỷ trọng 76,9% quý I/2014, 62,5% quý I/2013), tỷ trọng các giao dịch kỳ hạn và phát hành tín phiếu trên tổng giá trị giao dịch xấp xỉ bằng nhau, là 48,1% và 51,9%. Thiếu hụt  thanh khoản trong hệ thống ngân hàng trong quý I /2015 so với cùng kỳ các năm trước đã khiến Ngân hàng Nhà nước phải bơm một lượng lớn dòng tiền thông qua các giao dịch kỳ hạn.

Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước phát hành trong quý I/2015 có bốn kỳ hạn, trong khi cùng kỳ năm 2014 chỉ có 2 kỳ hạn. Tín phiếu 26 tuần chiếm 38,7% tổng khối lượng phát hành, với khối lượng phát hành 68.303 tỷ đồng. Tiếp sau đó là kỳ hạn 13 tuần chiếm 24,8% với khối lượng phát hành 43.822 tỷ đồng. Bên cạnh đó là 35.193 tỷ đồng tín phiếu 8 tuần và 28.904 tỷ đồng tín phiếu 4 tuần, chiếm lần lượt 19,9% và 16,4%.

Trong quý I/2014, có 167.962 giao dịch kỳ hạn được thực hiện và 132.170 tỷ đồng giao dịch kỳ hạn đáo hạn. Tính chung Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 145.316 tỷ đồng, tăng 38% so với quý I/2014 và hút ròng 193.822 tỷ đồng, giảm 15% so với quý I/2014. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng một khối lượng lớn dòng tiền trong đầu tháng 2 nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng gia tăng trước kỳ nghỉ lễ tết Nguyên đán.

Nhờ việc tăng cung tiền, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản của hệ thống và giúp làm giảm mức tăng đột biến của lãi suất liên ngân hàng khi bị thiếu hụt cung tiền. Bên cạnh đó, khi tăng cung tiền Ngân hàng Nhà nước cũng cố gắng giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung hạn thêm 1% đến 1,5% theo như Chỉ thị 01/CT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 27/1. Sau kỳ nghỉ, lượng lớn giao dịch kỳ hạn thực hiện trong tháng 2 quá hạn đã hút dòng tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Quý I/2015, lợi suất các giao dịch kỳ hạn cũng như tín phiếu Ngân hàng Nhà nước không thay đổi đáng kể. Tính tới cuối tháng 3/2015, lợi suất tín phiếu 4 tuần, 8 tuần và 13 tuần lần lượt là 3,50%/năm, 3,70%/năm và 3,90%/năm.

Sau đợt tăng tháng 12/2014, lợi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các giao dịch kỳ hạn được giữ nguyên. Mặc dù đã có những nhận định cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lợi suất giao dịch kỳ hạn một tuần 0,5% trong quý này nhờ kỳ vọng lạm phát thấp và mục tiêu cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước, nhưng lợi suất 1 tuần vẫn giữ nguyên ở mức 5%/năm so với cuối năm 2014.

Giảm lãi suất cho vay nhiều chương trình tín dụng chính sách
Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 750/QĐ-TTg về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư