Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chính sách tín dụng năm 2015 có gì đáng chú ý?
Năm 2014, tình hình kinh tế xã hội đã có những chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định vững chắc hơn, lạm phát duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế (GDP) ở mức 5,98%.
Chương trình tín dụng tái canh cây cà phê với số tiền dự kiến 12.000 tỷ đồng sẽ được triển khai quyết liệt từ nay đến năm 2020 Ảnh: Hoài nam
Chương trình tín dụng tái canh cây cà phê với số tiền dự kiến 12.000 tỷ đồng sẽ được triển khai quyết liệt từ nay đến năm 2020 Ảnh: Hoài nam

Đóng góp vào những thành tựu chung ấy, hoạt động tín dụng ngân hàng cũng có sự khởi sắc, tăng trưởng tín dụng của cả năm ở mức 14,16%, vượt mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Bên cạnh việc từng bước giảm lãi suất cả huy động vốn và cho vay, ngành ngân hàng đã triển khai khá đồng bộ các cơ chế chính sách nhằm đưa vốn ra nền kinh tế đảm bảo dòng vốn thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, chi phí vốn vay thấp là cơ hội để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Những kết quả quan trọng của năm 2014 là cơ sở để ngành ngân hàng bước sang năm 2015 thực hiện các chỉ tiêu đã được Quốc hội giao: tăng trưởng kinh tế 6,2%, kiểm soát lạm phát dưới 5%. Để thực hiện những mục tiêu này, NHNN đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2015 từ 13-15%, tùy vào diễn biến của nền kinh tế có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. 

Về cơ bản, mặt bằng lãi suất hiện nay là tương đối phù hợp (cả đối với người gửi tiền và người vay), tuy nhiên căn cứ vào diễn biến của lạm phát NHNN sẽ xem xét để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung dài hạn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Điểm nhấn trong điều hành chính sách tín dụng năm 2015 là chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nông thôn là địa bàn sinh sống của gần 70% dân cư, những hạt lúa, cân cà phê, con cá, con tôm và các sản phẩm nông nghiệp hàng năm không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn mang về trên 30 tỷ đô la xuất khẩu cho đất nước. Thực tế, trong những năm qua, chính ngành nông nghiệp đã đóng vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, giảm thiểu những tác động tiêu cực của khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng với khu vực và thế giới thì sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức rất lớn. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất thủ công, thiếu tính liên kết đã không còn phù hợp, đặt ra yêu cầu phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp để hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với qui mô lớn phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Theo đó, ngày 10 tháng 6 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trên cơ sở tổng kết, đánh giá chính sách tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010 – 2014, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP.

Nghị định mới sẽ tạo bước đột phá trong việc khơi thông dòng vốn “chảy” về nông thôn như mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay tín chấp lên từ 1,5 đến 2 lần so với quy định hiện hành. Có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi đến thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.

Năm 2014, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ ban hành cơ chế chính sách và lựa chọn 31 dự án của 28 doanh nghiệp tham gia chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu. NHNN sẽ sớm tổng kết để nhân rộng mô hình này.

Cà phê, lúa gạo, hải sản là những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của cả nước, vì vậy trong năm 2015 dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này sẽ được ngành ngân hàng ưu tiên cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực này.

Chương trình tín dụng tái canh cây cà phê, đã được Chính phủ phê duyệt, sẽ được triển khai quyết liệt từ nay đến năm 2020 với số tiền dự kiến 12.000 tỷ đồng với lãi suất và thời hạn phù hợp sẽ là động lực để người dân thực hiện tái canh cây cà phê cho năng suất và chất lượng cao hơn theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh Tây nguyên.

Chương trình cho vay khai thác hải sản xa bờ đã được khởi động từ năm 2014 theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ là một hệ thống đồng bộ cơ chế chính sách, như chính sách tín dụng, bảo hiểm, đầu tư…sẽ là động lực khuyến khích người dân yên tâm nâng cấp, đóng mới tàu để khai thác hải sản xa bờ, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong năm 2014 đã có 11 con tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần được đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67. Năm 2015 với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, UBND các địa phương và sự nỗ lực của ngành ngân hàng hứa hẹn sẽ có tàu công suất lớn được đóng mới để giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

Bất động sản cũng là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, có liên quan đến nhiều ngành sản xuất và trực tiếp đến nhu cầu về nhà ở của nhân dân, nhất là khu vực đô thị. Năm 2015, NHNN sẽ tiếp tục phối kết hợp với Bộ xây dựng và các Bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP nhằm tạo ra “cú hích” để định hướng cho thị trường, góp phần điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở hướng tới nhu cầu thực của người dân.

Năm 2014, các ngân hàng thương mại đã cam kết và giải ngân trên 10.000 tỷ đồng, năm 2015 cùng với việc sưa đổi cơ chế chính sách như, kéo dài thời hạn cho vay, mở rộng đối tương thụ hưởng và mở rộng thêm các ngân hàng cho vay sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực và sớm kết thúc chương trình vào tháng 6/2016.

Định hướng tín dụng trong năm 2015 của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng tín dụng gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực kinh tế đóng vai trò chủ đạo, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Đặc biệt coi trọng đầu tư chiều sâu nhằm ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra.

Tín dụng nông nghiệp: Agribank chưa có đối thủ?
Nhiều ngân hàng đang bắt đầu “nhòm ngó” miếng bánh tín dụng nông nghiệp, nông thôn mà Agribank đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần. Tuy nhiên,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư