Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Hòa Bình - “ngõ vào” của dòng vốn đầu tư
Nhã Nam - 20/11/2016 08:45
 
Là cửa ngõ nối Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhưng bấy lâu, Hòa Bình chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư. Tuy vậy, địa phương này đang nỗ lực để thực sự trở thành “ngõ vào” của các nguồn lực đầu tư, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và toàn vùng.
TIN LIÊN QUAN

Với nhu cầu mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, năm 2016, Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific) đã quyết định đầu tư hai dự án quy mô lớn tại Hòa Bình. Một là Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình, với tổng mức đầu tư 676 tỷ đồng và dự án còn lại là Khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình, với tổng mức đầu tư 3.122 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã chọn Hòa Bình bởi tỉnh này nằm ở vị trí địa lý rất thuận lợi, là cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, thuận tiện về giao thông, nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng quan trọng hơn, đó là chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cấp chính quyền địa phương và người dân Hoà Bình”, ông Trần Trung Dũng, Phó tổng giám đốc Bất động sản của Pacific nói.

 Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thăm dây chuyền sản xuất may tại Khu công nghiệp Lương Sơn
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thăm dây chuyền sản xuất may tại Khu công nghiệp Lương Sơn

Thêm vào đó, sự thông thoáng và liên thông giữa thủ tục cấp phép đầu tư và thủ tục đất đai đã khiến Hòa Bình đã có thêm một điểm cộng trong con mắt của nhà đầu tư. “Các dự án khi đăng ký đầu tư vào Hòa Bình đều được thực hiện song song với thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, giúp nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận đất đai. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của các dự án đầu tư”, ông Dũng nhấn mạnh.

Sự minh bạch thông tin, giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như những nội dung chi tiết liên quan đến dự án cụ thể đang nghiên cứu cũng đã khiến Hòa Bình trở nên hấp dẫn hơn.

Hẳn nhiên, không chỉ Pacific nhận thấy điều đó. Và đó là lý do vì sao, đang ngày càng có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tìm đến Hòa Bình. Số liệu ước tính từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình, lũy kế đến cuối năm 2016, có 438 dự án đầu tư vào Hòa Bình. Trong đó, có 30 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 470 triệu USD và 408 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 46.632 tỷ đồng.

Ngày 19/11, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Hòa Bình, có thêm những dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, có thêm các thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký kết. Song, với sự thẳng thắn, ông Bùi Đức Hinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình cho rằng, những con số này là “chưa đạt kỳ vọng của tỉnh”.

“Năm 2016, tình hình thu hút đầu tư trong nước đạt được những kết quả tương đối khả quan, nhưng thu hút FDI lại rất khó khăn, số dự án đăng ký đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch đặt ra, nguồn vốn đầu tư sụt giảm so với trước đây. Số lượng các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào đầu tư tại các khu công nghiệp rất ít, quy mô đầu tư vừa và nhỏ, thiếu các dự án công nghệ cao”, ông Hinh nói.

Đó cũng chính là lý do vì sao, Hòa Bình đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa nguồn lực cả trong và ngoài nước vào đầu tư kết cấu hạ tầng, sản xuất - kinh doanh... “Chúng tôi quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh. Trên cơ sở đó, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải cách thủ tục hành chính, tạo động lực cho thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết.

Cũng theo ông Quang, những lĩnh vực mà Hòa Bình luôn khuyến khích đầu tư là cơ sở hạ tầng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ y tế chất lượng cao, giáo dục, dịch vụ du lịch và thương mại…

Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình còn thông tin, để hút vốn đầu tư, ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư chung, Hòa Bình luôn sẵn sàng dùng ngân sách còn hạn hẹp của mình để hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, cũng như hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cũng đang được thực hiện, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cuối năm nay, khi tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Hòa Lạc hoàn thành, sẽ rút ngắn quãng đường từ Hòa Bình về Hà Nội và các trung tâm kinh tế quan trọng của vùng. Thêm chuyện có nguồn nhân lực dồi dào, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp rất lớn, hệ thống tài chính - ngân hàng, bảo hiểm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, thì chúng tôi tự tin sẽ hấp dẫn được các nhà đầu tư tìm đến với mình”, ông Hinh nói.

Một tin vui là năm ngoái, trong Bảng xếp hạng về “tính năng động của lãnh đạo cấp tỉnh” liên quan đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hòa Bình đã tăng tới 16 bậc so với năm trước. Sự tăng bậc này chính là lời khẳng định cho nỗ lực và quyết tâm đổi mới của các lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Đồng thời là là cơ sở để các nhà đầu tư thêm tin tưởng để dốc vốn đầu tư vào Hòa Bình.

“Đây chính là một trong những nền tảng quan trọng để Hòa Bình tới đây thực sự trở thành ‘ngõ vào’ của các dòng vốn đầu tư”, ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình tự tin khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư