Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 20 tháng 02 năm 2025,
Hóa giải thách thức, đưa kinh tế tăng trưởng trên 8%
Hà Nguyễn - 18/02/2025 08:21
 
Quyết tâm đưa nền kinh tế tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 là rất lớn. Tuy vậy, thách thức cũng không nhỏ, đòi hỏi phải sớm được hóa giải.
Tháng 1/2025, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 9,2% so với tháng trước.  Ảnh: Đức Thanh

Lo thúc đẩy sản xuất

Sản xuất công nghiệp tiếp tục được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Điều này càng quan trọng hơn bao giờ hết, khi Chính phủ quyết tâm đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8%. Tuy vậy, bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy, không dễ để sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng trưởng như kỳ vọng.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 1/2025, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi tháng 1 năm nay trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thời gian làm việc ít hơn tháng 1/2024. Tháng Tết Nguyên đán năm 2024, Chỉ số IIP thậm chí còn giảm 6,8% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, chỉ số này đang khiến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo lắng. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về Đề án về bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng trên 8%, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc, khi mà Chỉ số IIP tháng 1/2025 chỉ tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ, còn Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức dưới 50 điểm trong 2 tháng liên tiếp, cho thấy điều kiện kinh doanh của khu vực sản xuất ở Việt Nam bị thu hẹp.

“Do vậy, đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để đảm bảo tính khả thi của Dự án”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Thực tế, khi S&P Global công bố Chỉ số PMI tháng 1/2025 của Việt Nam, với điểm số chỉ đạt 48,9 điểm, thấp hơn con số 49,8 điểm của tháng 12/2024, đã có những ý kiến lo ngại. Số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm, dẫn tới sụt giảm sản lượng lần đầu tiên trong 4 tháng qua. Tuy tốc độ giảm là nhẹ, song ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence đã nói về một sự khởi đầu không thật tốt cho năm 2025.

“Nhu cầu yếu dẫn đến lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tiếp tục giảm”, ông Andrew Harker nói và cho biết, các nhà sản xuất đang hy vọng, tình hình sẽ sớm được cải thiện và ít nhất, họ đã lạc quan hơn so với thời điểm cuối năm 2024.

Năm 2024, Chỉ số IIP của Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, tăng 8,4%, cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây. Đây là mức tăng cao trên nền tăng thấp của năm 2023, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 9,6% trong cả năm, đã đóng vai trò dẫn dắt cho tăng trưởng.

Kỳ vọng tăng trưởng cao cũng đang tiếp tục được đặt ra cho khu vực này. Trong kịch bản được Chính phủ xây dựng, để tăng trưởng GDP cả nước trên 8%, khu vực công nghiệp - xây dựng phải tăng trưởng khoảng 9,5% trở lên, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên.

Con số này cao hơn khá nhiều so với kịch bản đưa ra trước đó, khi Quốc hội quyết nghị mức tăng trưởng cả năm ở mức 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5%. Ở kịch bản này, tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng được xác định ở mức 6,9-7,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4-8,3%.

Khoảng cách giữa hai kịch bản là khá lớn, lên tới 1,9-2,6 điểm phần trăm, nếu so về tốc độ tăng trưởng của cả khu vực công nghiệp - xây dựng. Còn nếu tính riêng về công nghiệp chế biến, chế tạo, mức chênh lệch là 1,3 - 2,3 điểm phần trăm. Để đạt được kịch bản mới, cần nỗ lực không nhỏ.

Hóa giải thách thức

Có một số liệu thống kê rất đáng chú ý, đó là trong tháng 1/2025, Chỉ số IIP so với cùng kỳ năm trước đã tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương trong cả nước. Có lý do liên quan đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, song việc có tới 16 địa phương có IIP giảm là rất đáng chú ý. Hơn thế, nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn lại có IIP giảm.

Các địa phương có quy mô công nghiệp lớn lại có IIP giảm trong tháng 1/2025 là Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,8%; Cần Thơ giảm 2,8%; Quảng Nam giảm 4,3%; Thanh Hóa giảm 5,5%; Quảng Ninh giảm 6,9%. Thậm chí, Hải Dương còn giảm mạnh hơn nữa, lên tới 10,6%. Trong khi đó, Đồng Nai giảm 11,8%; Hải Phòng giảm 13,2%; Bình Dương giảm 13,5%; Hà Nội giảm 15,2%; Bắc Ninh giảm 15,4%; Bắc Giang giảm 16,3%; Quảng Ngãi giảm 19,4%; Vĩnh Phúc giảm 20,6%; Đà Nẵng giảm 17,1%. Đầu tàu kinh tế của cả nước - TP.HCM - còn giảm tới 21,1%.

Mọi so sánh so với cùng kỳ phải đợi con số của hai tháng đầu năm mới có thể đưa ra nhận định chính xác. Tuy vậy, mức giảm khá cao của các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã cho thấy những tương đồng với kết quả khảo sát của S&P Global về sự xấu đi của các điều kiện sản xuất ở Việt Nam.

Vấn đề nằm ở chỗ, đây không chỉ là chuyện của riêng Việt Nam. Báo cáo mới nhất từ S&P Global cho thấy, hoạt động sản xuất tại châu Á đã suy yếu trong tháng 1/2025, do nhu cầu từ Trung Quốc giảm sút và các chính sách áp thuế của Tổng thống Donald Trump gây sức ép lên niềm tin kinh doanh. Thậm chí, khu vực Đông Nam Á đã chứng kiến hoạt động sản xuất chạm mức thấp nhất trong 11 tháng với IIP ở mức 50,4 điểm.

Từ cuối năm ngoái, bắt đầu có những lo ngại về những rủi ro liên quan đến thương mại hàng hóa năm 2025, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng các chính sách thuế quan mới. Đó là một sự thật, khi gần đây, các lệnh về áp thuế hàng hóa xuất khẩu đối với một số đối tác và một số mặt hàng, mà thép và nhôm là một ví dụ, đã được công bố.

Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị quan sát, phân tích nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại thế giới, có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường xuất khẩu để có phản ứng chính sách kịp thời. Điều đó có nghĩa, rủi ro là khôn lường.

Nếu rủi ro thương mại hàng hóa xảy ra, sẽ ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp - động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những yếu tố khó lường, thì điều đáng chú ý, cầu nội địa vẫn ở mức thấp.

Năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi trừ đi yếu tố giá chỉ tăng 5,9%. Còn tháng đầu năm nay, dù mức tăng là 9,5%, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ các tháng Tết các năm trước dịch (2018-2019).

Để thúc đẩy tăng trưởng, phải hóa giải thách thức này. Vì thế, trong Đề án báo cáo Quốc hội, Chính phủ đã nhấn mạnh các giải pháp về thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu.

“Cần xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói và cho rằng, để thúc đẩy sản xuất, cần tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo nhu cầu vốn cho nền kinh tế, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Tăng trưởng kinh tế 2025 có ẩn số nằm ở xuất khẩu
Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư